Một số câu hỏi mọi người thường có là: “Làm sao để có thể đầu tư hiệu quả, đầu tư kênh nào là lợi nhuận cao, ít rủi ro nhất?” nhưng rất ít người bắt đầu bằng việc quản lý việc chi tiêu của mình trước khi nghĩ tới giai đoạn đầu tư từ số tiền mình đang có.
Trong bài viết ngày hôm nay, mình muốn chia sẻ các bài học về quản lý chi tiêu cá nhân rất thực tiễn mà mình học được từ workshop: Personal Finance for Independent Women của chị Giang Nguyễn - từng là Giám đốc thị trường vốn của VinaCapital, có hơn 20 năm trong lĩnh vực tài chính, investment banking.
Câu hỏi đầu tiên là tại sao phải quản lý chi tiêu?
Nếu bạn nhìn tình hình tài chính của mình, bạn sẽ thấy nó giống như báo cáo lãi lỗ của một công ty, hoạt động dựa trên một phép tính cơ bản là: Thu nhập - Chi phí = Savings (khoản tiết kiệm).
Biến đầu tiên, thu nhập. Đây là thứ mà bạn không thể kiểm soát hoàn toàn được, vì có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động. Trong trường hợp thu nhập 100% là từ lương, có khi bạn có năng lực rất tốt, nhưng công ty có đợt layoff bất ngờ, vậy là khoản đầu vào của bạn bị mất đi.
Chi phí, ngược lại, là thứ bạn hoàn toàn có quyền quyết định. Bạn chi tiêu vào món đồ gì, mua bao nhiêu, tuy giá có thể lên xuống biến động theo thị trường, nhưng quyết định cuối cùng vẫn từ bạn. Có mua hoặc không mua, up to you!
Có 2 cách để tăng Savings: 1 là tăng thu nhập, 2 là giảm chi phí. Phương án 1 thì nhiều khi mình không quyết được, nhưng phương án 2 bạn muốn là làm được. Việc chi tiêu hợp lý sẽ giúp bạn quản lý biến chi phí này hiệu quả hơn.
Phần Savings của bạn chính là khoản tiền mà bạn sẽ đem đi đầu tư sau này, bạn có khoản tiền nhàn rỗi càng nhiều thì việc đầu tư sẽ càng có nhiều lựa chọn. That’s why “Wise investing starts with wise spending”.
Tiếp tới câu hỏi thứ hai: Vậy làm thế nào để chi tiêu thông minh?
Thật ra quản lý chi phí là bài toán kiểm soát cảm xúc, vậy nên bạn sẽ cần học các nguyên tắc để thay đổi thói quen của mình. Sau đây là 5 nguyên tắc bạn có thể áp dụng để thay đổi hành vi chi tiêu.
#1 Phân biệt được tài sản & tiêu sản
Đơn giản là: tài sản là các loại tài sản sinh ra lợi nhuận theo thời gian, ngược lại tiêu sản thì có giá trị giảm theo thời gian.
Tài sản có thể là: Bất động sản, tiền tiết kiệm, vàng, cổ phiếu, vv
Tiêu sản có thể là: Xe, du lịch, quần áo, vv
Tùy vào góc nhìn của từng người, một món đồ có thể là tài sản hoặc tiêu sản. Ví dụ với những người thích sưu tập đồng hồ cổ thì đối với họ là tài sản nhưng với những người không quan tâm tới đồng hồ thì đó chỉ là tiêu sản thôi.
Việc phân biệt tài sản & tiêu sản giúp bạn hiểu là mình nên tiêu tiền vào đâu là hợp lý. Với những món đồ thuộc loại tiêu sản, bạn nên nhìn nhận là mình mua món đồ này/chi khoản này thuần để phục vụ mục đích sử dụng của mình, chứ không có thêm lợi ích kinh tế gì trong tương lai hết, không nên overspend vào những món đó.
#2 Phân biệt nhu cầu & mong muốn
Mong muốn của con người là vô hạn, nhưng nhu cầu thực tế chỉ xoay quanh 5 thứ cơ bản nhất của tháp nhu cầu Maslow.
Tuy nhiên, lúc nào mình cũng sẽ dễ bị manipulate bởi bàn tay của Consumerism - chủ nghĩa tiêu dùng, để có rất nhiều mong muốn.
Một ví dụ điển hình là thực tế bạn chẳng thiếu quần áo mặc nhưng thấy ads trên Instagram cho một collection mới thì “Ồ, hình như mình chưa có kiểu này, phải mua thôi” :))
Thành ra, chi phí để bạn cover được nhu cầu thì không quá nhiều, nhưng để chạy theo những mong muốn, đôi khi là dư thừa, thì chi phí của bạn lúc nào cũng cao ngất ngưởng.
#3 Giá trị nhận được với số tiền bỏ ra
Vì bản chất việc bạn bỏ tiền ra mua sắm gì đó là một sự trao đổi, bạn cảm thấy số tiền tôi bỏ ra (kiếm được từ sức lao động của bạn) ngang bằng với sức lao động của người sản xuất ra món hàng.
Vậy nên, bạn cần phải đưa mọi thứ về một hệ quy chiếu, để có thể so sánh mức độ đắt, rẻ của món đồ. Đừng bao giờ mua một món đồ khi bạn không có gì để làm benchmark so sánh với nhau.
Và, value for money, again lại mang tính cá nhân rất lớn, vì hệ giá trị của mỗi người là khác nhau. Có người theo hệ ăn chắc mặc bền, có người theo kiểu phải độc lạ mới cá tính, có người lại kiểu phải thời thượng, không thể nằm ngoài xu hướng được, …
Mua một món đồ, nếu đánh giá nó dựa trên hệ quy chiếu và đánh giá giá trị bạn nhận được sẽ giúp bạn cân nhắc kỹ càng trước khi ra quyết định và giảm đáng kể những thứ bạn mua mà chẳng hiểu vì sao mình mua.
#4 Giới hạn cho từng khoản chi tiêu
Nôm na là, làm 10 đồng, thì chi 8 đồng thôi! Nếu bạn tiêu nhiều hơn mức bạn kiếm được thì phía bên phải của dấu “=” sẽ là Debt chứ không phải là Savings đâu.
Việc đặt giới hạn chi tiêu cho một món đồ, cho một hạng mục chi, cho một khoảng thời gian giúp bạn hiểu rõ với tình hình của công ty cá nhân thì bạn được phép chi bao nhiêu.
Limit giúp bạn xác định rõ được mức chi trả, từ đó giúp bạn đưa ra các quyết định chi tiêu dễ dàng hơn. Ví dụ cần mua một cái áo thì vô vàn lựa chọn từ bình dân tới high-end nhưng có thêm budget 500k làm bạn biết mình cần focus vào phân khúc với những lựa chọn tương ứng như thế nào.
Việc giới hạn cũng giúp bạn tránh khỏi nhưng phút giây bốc đồng bởi cảm xúc. Hứng lên mua một món đồ vì bạn thích mà không đặt cap trần thì nguy hiểm lắm!
#5 Lên budget & Track Spending
Vì có quá nhiều các khoản mục phải chi tiêu, nếu bạn không lên budget, thì sẽ dễ rơi vào tình trạng: Thiếu khoản này, dư khoản kia.
Giả dụ có những tháng bạn có những khoản phải chi tiêu nhiều hơn, nhưng không hoạch định từ trước nên là đến lúc cần thì không có hoặc thiếu.
Và vì có quá nhiều con số, nên giữ mọi thứ trong đầu không phải là một cách tốt. Tốt nhất là nên giải phóng bộ nhớ của bạn bằng cách tracking mọi thứ trên các công cụ khác như file excel hoặc apps.
Nhớ là cuối tháng cần review lại tình hình sức khỏe tài chính của công ty để rút kinh nghiệm nếu cần nhé!
Tóm lại, trước khi bắt đầu đầu tư, bạn hãy chuẩn bị cho mình một nền tảng tài chính healthy bằng cách quản lý chi tiêu thông minh.
Việc đặt ra các nguyên tắc, giới hạn không phải khiến bạn gò bó hơn mà là cho bạn một cái khung, để bạn được tự do trong đó, với sự tự tin rằng tôi đang tận hưởng cuộc sống, chi tiêu cho những thứ thực sự tôi value, đem lại hạnh phúc cho bản thân.
Nếu có tips gì hay để quản lý chi tiêu cá nhân, các bạn chia sẻ với mình ở phần comment nhé!
#WOTN5
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
Tuyệt zời lun, bài của bạn đọc rất dễ hiểu luôn í. Với lại cũng confirm với tác giả đây đều là những nguyên tắc mà người mới bắt đầu quản lý tài chính cá nhân phải nắm được, đặc biệt là phần "Lên budget và track spending"