Mình sinh ra và lớn lên trong lòng một khu chợ ở ngoại thành Hà Nội.
Ngày xưa hồi đi học, mình có nhớ có một câu nói đại khái ý là người ta nói chọn môi trường sống rất quan trọng với việc hình thành tính cách của một đứa trẻ.
Người ta khuyên nên sống ở gần môi trường giáo dục, có văn hóa (như trường học chẳng hạn), tránh nơi xã hội phức tạp như khu chợ, sợ đứa bé học theo những thói lưu manh, gian dối.
Tuy nhiên, với trường hợp của mình thì ngược lại.
Mình rất biết ơn và luôn giới thiệu với mọi người xuất thân “bụi bặm” đến từ khu chợ của mình một cách đầy tự hào.
Khu chợ mà bạn đang nói tới trông như thế nào thế? Một người bạn tưởng tượng hỏi.
À đây nhé, để mình kể cho…
Nhà mình có một cửa hàng bán tạp hóa nhỏ, nằm ngay mặt đường.
Cửa hàng nhà mình nằm khiêm tốn trong một hệ sinh thái nằm dài dọc con đường giờ mang tên phố Kẻ Vẽ. Ở đó có đủ mọi mặt hàng, từ thực phẩm tươi, tới nhu yếu phẩm, quần áo, giày dép, ti tỉ thứ. Những cô chú bán hàng bày ra mặt đường nào những thùng, những thúng, nia để bày hoa quả, rau, củ quả, cá, tôm. Những bác bán thịt thì có những chiếc bàn gỗ lớn, thịt thà chất đầy ắp.
Mỗi người dù chỉ được phân một miếng đất bé bé trên mặt đường nhưng họ cũng xoay sở khéo léo để trưng được hết những mặt hàng đẹp mắt của mình để người mua có thể thấy được.
Giờ họp chợ thì sớm lắm, chỉ đến hôm có dịp đi thăm quan ở trường, phải tập trung sớm thì mới biết à hóa ra chợ họp sớm từ tận 4-5 giờ sáng, chứ bình thường tầm 7 giờ kém mình ra khỏi nhà đi học thì chợ cũng vãn bớt rồi.
Âm thanh ở chợ, nó là một sự kết hợp hài hòa và thú vị của tiếng dao thớt, tiếng gọi nhau í ới, tiếng còi xe, đan xen một vài câu khó nghe người ta bực dọc thốt ra, tiếng gà kêu, tiếng giấy gói xột xoạt của những gói xôi gấc đỏ, và một tỉ thứ âm thanh không tên khác mà chả ai gọi tên được.
Cái bản hòa tấu bất đắc dĩ của một nhạc trưởng tên “Thị trường” ấy, thoạt nghe ồn ào, ầm ĩ mà nghe lâu lại thấy như bản nhạc classic của đời sống, chứa đựng sức sống mạnh mẽ của khu chợ ngoại thành.
Đấy, nôm na vài nét vẽ như vậy để bạn đọc có thể có một chút hình dung sơ bộ về khu chợ nhà mình.
Tiếp xúc với khu chợ ấy từ bé, mình hiểu xã hội ngoài kia đa dạng và nhiều màu sắc như thế nào.
Cô kia bán cá, cô này bán tôm, chú kia bán rau, bác kia bán đậu, người kia mua đồ dễ tính, người lại khó tính cầm lên đặt xuống, người mua đồ ăn cho cả gia đình theo style cả tuần, người lại mua theo từng bữa, người trẻ, người già, người ở trong xóm, người khu khác tới,... muôn người muôn vẻ. Chợ như một xã hội rộng lớn và tấp nập trong mắt một đứa bé như mình.
Nếu các bạn khác hồi cấp một phần lớn chỉ giao tiếp với bố mẹ, ông bà, thầy cô, bạn bè, thì với mình, với background chợ búa :)), số lượng người mình gặp lớn hơn rất rất nhiều.
Không chỉ quan sát hành vi mua bán của họ với người khác, mình cũng thực hiện hành vi mua bán với họ luôn vì mình giúp mẹ bán hàng từ khi học lớp 2. Điều này cho mình sự dạn dĩ nhất định vì mình không sợ khi gặp người lạ.
Mình cũng thích nói chuyện với mấy cô bác bán hàng xung quanh nhà mình, quan sát họ điêu luyện xử lý gọt một quả dứa, hay thoăn thoắt lọc thịt một con cá. Ai cũng là bậc thầy đang tỏa sáng trên sân khấu của họ. Nhìn thích lắm!
Chợ cũng dạy mình những bài học về đồng tiền, về nền kinh tế, về cung cầu trước khi mình biết gọi tên nó bằng những mô hình học thuật ở trường đại học.
Nếu như những đứa trẻ khác ít khi thấy bố mẹ vất vả như thế nào để kiếm được đồng tiền, thì mình may mắn hiểu được làm ra đồng tiền từ mồ hôi và sự vất vả như thế nào.
Những cô bác phải dậy sớm từ 3 giờ sáng, chạy xe từ quê lên tới chỗ nhà mình để kịp 5 giờ mở hàng, rồi bán quần quật tới 6-7 giờ chiều, lại chạy xe về quê. Họ ngồi ngoài mặt đường, không có quạt, may chăng có cái nón che nắng, che mưa, ăn uống vội vàng, qua loa, chắt chiu từng đồng bạc lẻ từ mớ rau, miếng đậu để có tiền lo cho cuộc sống, cho con được đi học.
Mình cũng học được sức mạnh của sự bền bỉ và tích lũy.
Có bác kia bán trứng gần nhà mình, mỗi ngày bác mang khoảng tầm gần nghìn quả trứng đi bán, được vài năm bác đổ buôn cho mấy mối quen, dần dần tích đủ tiền mua nhà, mua xe, lo cho con cái đàng hoàng. Giá mỗi quả trứng bác bán là từ ba nghìn đồng thôi. Nhưng cả năm bác nghỉ chỉ có 3 ngày Tết, mùa mưa hay gió lạnh, lúc nào bác cũng sẽ xuất hiện với giỏ trứng quen thuộc.
Sau khoảng chục năm kể từ hồi mình bé tới cấp ba, đại đa số những người bán hàng ở khu nhà mình đều có của ăn của để, mà lạ kì là họ vẫn bền bỉ bám mặt đường mỗi ngày.
Chợ dạy mình bài học đối nhân xử thế, về những mối quan hệ giữa người với người.
Từ rất lâu trước khi có những chương trình khách hàng thân thiết của các brand, những người bán ở chợ nhà mình có cách riêng để duy trì tập khách quen của họ.
Có cô bán thịt này, lúc nào bán cũng rất đắt hàng, vì khách quen lúc nào cũng ghé cô. Sở thích của từng người cô thuộc lòng, chiều khách phải gọi là nhất quả đất. Lúc nào cô cũng cười tươi roi rói, nói năng nhẹ nhàng dễ nghe, mình chưa bao giờ thấy cô quạu với khách cả, lúc nào cũng chị chị em em, ngọt ngào thân thiết. Khách đặt trước phần nào ngon cô cũng luôn giữ lời hứa, mà khách bùng cô thì cô cũng chả bực tức gì, quan trọng là khách cô có thịt ngon để ăn. Bậc thầy của dịch vụ chăm sóc khách hàng, mình nghĩ gọi cô vậy cũng không sai.
Ngược lại, có cô bán thịt bò này, vì tham lam nên bán thịt bò giả và thịt bò thật để ăn chênh lệch. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, người ta đồn đại rồi lan ra cả chợ đều biết cô này bán thịt kém chất lượng, thế là hàng của cô bị tẩy chay. Sau một thời gian, không còn thấy cô ấy bán ở chợ này nữa. Đúng là gian dối thì không có kết quả tốt được.
Chợ, nơi mà người ta lao ra đường để kiếm đồng tiền mưu sinh, nhưng tình thương cũng luôn đầy ắp.
Thấy bóng dáng công an đi kiểm tra, mọi người hô hoán lên là tất cả như đồng loạt bật công tắc dọn dẹp đồ đạc, ai dọn xong đồ của nhà mình thì đi giúp nhà khác dọn.
Có cô bán rau mà con bị ốm phải đưa đi bệnh viện, cô bán thịt sẵn sàng bán cả hàng mình lẫn hàng rau để được đồng nào đỡ tiền vốn đồng đó cho cô bạn hàng của mình.
Các cô bác kể cho nhau nghe những câu chuyện gia đình, những khó khăn và áp lực. Họ cũng như đồng nghiệp của nhau vậy, ngồi cạnh nhau từ lúc trời chưa tỏ tới lúc tối mịt, lúc bán đắt hàng cũng như lúc ế chỏng chơ.
Có bác thịt lợn thuê một chỗ nhỏ xíu trước cửa nhà mình để bán hàng, bác ngồi đó được hơn chục năm và nhà mình luôn coi bác ấy như họ hàng ruột thịt. Có đồ gì ngon là bác luôn nghĩ tới nhà mình đầu tiên, và bác không bao giờ lấy tiền. Bác luôn biết ơn vì nhà mình đã cho bác ấy chỗ ngồi ổn định để buôn bán, nhờ thế kinh tế nhà bác ấy cũng ổn định hơn. Giờ bác ấy chuyển sang nhà bác mình ngồi nhưng vẫn luôn rất quý nhà mình và lúc nào cũng cho này cho kia. Mình cũng rất quý bác ấy và dịp nào về Hà Nội cũng đều ghé chào bác trên đường mình đi chợ.
Có thể nói, khu chợ là ngôi trường nơi dạy mình rất nhiều những bài học, góp phần hình thành tính cách của mình như bây giờ. Nơi ấy cũng chứa đựng rất nhiều kỉ niệm hồi nhỏ của mình với những người bạn là các cô bác bán hàng. Có thể chợ là nơi phức tạp thật, nhưng mình tin những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện diện ở đó.
Giờ lớn rồi, cũng ở xa nhà nữa, nên mình vẫn luôn thích đi chợ mua đồ hơn là siêu thị để đỡ nhớ khu chợ nhà mình.
Và dịp nào ra Hà Nội, mình cũng phải xách xe đạp, đi thật chậm, lượn vài vòng chợ, mua này mua kia, ngắm nhìn dòng người hối hả, lắng nghe âm thanh ồn ào, để được cảm nhận cái sức sống nhộn nhịp mà mình đã sống trong suốt thời thơ ấu.
Cảm ơn khu chợ, vì vẫn luôn ở đó, để bao bọc những con người cần mưu sinh, và để ôm đứa con xa nhà, vỗ về nó với sự thân thuộc.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay 2 của Writing On The Net Alumni. #wotn #vietdeuvahay
Em sống với bà ngoại từ nhỏ và ngoại em cũng là người bán chuối, bán dừa ở một sạp phía trứơc chợ. Hồi đó, em hay đi ra ngồi bán phụ ngoại. Những trải nghiệm hồi nhỏ đó đúng thật nó góp phần tạo nên tính cách của em bây giờ: em không ngại nắng, em cũng chẳng ngại người lạ…
Em đã không nhận ra sự quý giá của trải nghiệm này và cũng chẳng biết diễn đạt thành lời ntn cho mọi người nữa 🥹 chỉ biết kể là “hồi đó, tao từng ngồi bẹp bán trái cây ở chợ”.
Đọc bài viết này của chị khiến em nhớ về kỉ niệm đó quá và em rất hạnh phúc khi nhận ra cuộc đời của này nó đẹp lung linh 🥰
Bài viết này hayyyyyyyyyyyy quáaaaaa ạa
Cảm ơn chị vì bài viết thật ý nghĩa :)