Trải nghiệm kiến trúc đã dạy mình điều gì?
Có câu chuyện gì đằng sau những công trình uy nghiêm và những tòa nhà to lớn?
Hello các bạn đọc yêu quý của Growing Mindfully ✌️
Mới gần đây, mình có dịp tham gia 2 buổi workshop về Kiến trúc. Một buổi là về kiến trúc của người Hoa ở Sài Gòn và buổi còn lại là đi thực tế các tòa nhà kiến trúc mang tính biểu tượng của Sài Gòn như là Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Tòa thị chính, Bảo tàng Thành phố.
Mình thấy trải nghiệm này rất thú vị nên muốn chia sẻ lại cùng các bạn đọc của Growing Mindfully trong bài viết tuần này. Bắt đầu nha!
Trong lúc đi học mình được tiếp xúc với nhiều kiến thức mới mẻ, những điều bất ngờ hay ho, và tựu chung lại mình rút ra được 3 điều takeaway chính. Ở mỗi bài học mình sẽ minh họa thêm bằng những tư liệu trong buổi học để các bạn dễ hình dung nha.
Bài học đầu tiên, kiến trúc là một sự hội tụ đầy đủ về cả con người, tự nhiên, và văn hóa.
Ban đầu mình chỉ nghĩ kiến trúc sẽ thiên về kĩ thuật, khối này khối kia, tầng này tầng kia, cấu trúc giàn giáo, tường vữa xi măng, kiểu khô khan ấy... nhưng đi học rồi mới thấy kiến trúc còn nhiều hơn thế rất nhiều.
Khi được tìm hiểu về một công trình kiến trúc một cách nghiêm túc, mình mới nhận ra: À, kiến trúc là một sự hội tụ đầy đủ các yếu tố từ con người, tự nhiên, tín ngưỡng, văn hóa, thời đại, nghệ thuật. Kiến trúc không chỉ là một bức tranh đa màu phản ánh những nét đặc trưng của cuộc sống mà còn là một bức tranh có nhiều tầng nhiều lớp, nhiều tầng tư duy và nhiều lớp ý nghĩa.
Yếu tố con người được thể hiện rõ nhất ở công năng của một công trình kiến trúc. Câu hỏi đầu tiên luôn là công trình này dành cho ai, với mục đích gì.
Với người Hoa ở miền Nam, một số các công trình điển hình bạn có thể thấy là các Hội quán ví dụ như Hội Quán Tuệ Thành hay Hội Quán Hà Chương.
Hội quán thường là nơi sinh hoạt cộng đồng của các nhóm người Hoa, họ kết hợp việc thờ tự và quản lý các công việc của tập thể chung. Vì vậy kết cấu của Hội quán sẽ bao gồm phần chính điện phục vụ cho việc thờ tự và các hành lang cho những người làm việc công quả.
Bạn có thể thấy điều tương tự ở Bưu điện Thành phố, Nhà Hát Thành phố hay Tòa thị chính. Với các chức năng chính là nơi để người ta gửi thư từ, nơi nghe nhạc và giải trí, nơi để bộ máy chính quyền hoạt động, kiến trúc của các tòa nhà đều được thiết kế để đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng.
🌟Một gợi ý nhỏ cho bạn khám phá là 2 dãy hành lang 2 bên của Bưu điện thành phố, nơi đang là chỗ người ta bán hàng thì trước đây là chỗ làm việc/ ở của nhân viên của tòa Bưu điện đó.
Ngoài ra sự kết hợp hài hòa thiên-thời-địa-nhân chính là cách người ta kết hợp tất cả các yếu tố đó vào trong kiến trúc.
Với người Hoa, tín ngưỡng có thể là một yếu tố trọng yếu nhất trong các công trình kiến trúc của họ.
Ở Thành phố Chợ Lớn xưa có 3 nhóm người Hoa chủ yếu: nhóm Quảng Đông, nhóm Phúc Kiến và nhóm Triều Châu. 3 nhóm người này đều có những màu sắc chủ đạo mà họ tin là mang lại may mắn cho họ.
Nhóm Phúc Kiến tin rằng họ thiên về mệnh Hỏa nên màu sắc chủ đạo của các công trình sẽ thiên về màu nóng, đỏ, vàng, ngoài ra có các chi tiết trang trí trên mái có hình dáng rồng tựa ngọn lửa bốc lên (Giáng Long).
Trái ngược với nhóm Phúc Kiến, nhóm người Quảng Đông lại thiên về tone màu trầm nên các chi tiết gốm trang trí trên mái sẽ được phủ men màu sắc xanh ngọc, xanh lam.
Nhóm Triều Châu là nhóm có tone màu trung tính, sặc sỡ nhất, dung hòa 2 thái cực khác biệt của Phúc Kiến và Quảng Đông.
Ngoài ra các yếu tố âm dương, ngũ hành đều được gài gắm trong các kết cấu chính và cả các chi tiết trang trí ví dụ như các viên ngói được sắp xếp theo kiểu: Viên ngói âm lộ ra, viên ngói dương phong tô (cách đắp vữa lên để không bị xê dịch). Các kiểu sơn tường theo ngũ hành (Sơn tường - Tường cao như núi - Phần tường đầu hồi được xây dựng nhô lên khỏi bộ mái để chặn bộ mái lại).
Các yếu tố trang trí đặc trưng như Bác Cổ Tích (phần trang trí trên sơn tường), bức Thái Môn Quải Bình (tấm hoành hay được treo chính giữa nhà hay hội quán) đều thể hiện câu chuyện may mắn, những concept người Hoa tin là sẽ mang lại may mắn cho gia đình ví dụ hình con dơi ngậm giỏ trái cây châu báu (Phúc Mãn Đường), những hình tượng gốm đều phỏng lại những tích truyện cổ của Trung Hoa. Hay là yếu tố phong thủy, trước các công trình quan trọng đều sẽ có hồ nước đằng trước vì trong phong thủy: thủy tụ là rất tốt.

Khác với những công trình mang đậm dấu ấn phương Đông của người Hoa, những công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng ở Sài Gòn lại thổi làn gió của Châu Âu về vùng đất lúc trước là đầm lầy rừng rậm này.
Nếu nhìn kĩ các ngóc ngách của Bưu điện Thành phố và tìm về phiên bản đầu tiên của nó dưới thời người Pháp, bạn sẽ thấy dấu ấn của phương Tây rất rõ rệt.
Lấy Bưu điện làm ví dụ đầu tiên nhé.
Ở vị trí chính diện của Bưu điện là tượng của một vị thần tượng trưng cho thư tín trong Thần thoại Hy Lạp, bạn có biết đoán được là ai không?
Nếu câu trả lời của bạn là Hermes thì bingo, chính là ổng. Thời ấy những kiến trúc của ngành truyền tin thường feature thần Hermes, còn những công trình liên quan tới công nghệ, tòa án thì thường feature nữ thần Athena vì thần là biểu tượng của trí tuệ và nghệ thuật.
Không chỉ feature những yếu tố thần thoại, người Pháp cũng rất “be present” khi ghi danh các nhà khoa học, nhà vật lý có đóng góp to lớn cho ngành điện và công nghệ điện tín. Hãy thử zoom in từng khung chữ trên tường màu trắng ở bên ngoài Bưu điện và bạn sẽ thấy những cái tên của thời hiện đại hiện ra như nhà phát minh người Ý Alessandro Volta, nhà vật lý người Anh Michael Faraday, nhà toán học người Pháp André-Marie Ampère,...
Cùng với những biểu tượng về con người, biểu tượng ngọn đuốc cũng được trang trọng đặt ở vị trí mặt tiền, đó là bởi vì biểu tượng ngọn đuốc thường đi cùng với sự truyền tin, và cũng là biểu tượng cho sự khai minh và khai sáng, sứ mệnh cao cả người Pháp tự claim cho mình lúc ấy.
Một biểu tượng mang tính Châu Âu khá tương đồng với Phúc Mãn Đường của Người Hoa là Hone of Plenty: Chiếc sừng sung túc ở xung quanh thần Hermes. Đây là kì vọng cho sự sung túc của người Châu Âu cùng cành olive và cành sồi đều là những thực vật lâu đời của Châu Âu.
Đến với Nhà Hát Thành phố, một tòa nhà đại diện cho nghệ thuật ta cũng thấy là nơi phô diễn những niềm tin, niềm tự hào của loài người với nền nghệ thuật lâu đời. Trên các cột trụ của Nhà Hát bạn có thể thấy các hình mặt người, là các mặt nạ kịch nghệ của Hy Lạp cổ đại. Ngoài ra còn có hình tượng các nàng thơ và Thần dê, vốn biểu trưng cho những điều vui vẻ và sự giải trí.
Còn ở Tòa thị chính, chúng ta có thể thấy tượng của một phụ nữ, đó là nàng Marianne. Marianne là hiện thân quốc gia của Cộng hòa Pháp kể từ Cách mạng Pháp, là hiện thân của tự do, bình đẳng, tình huynh đệ và lý trí, và là chân dung của Nữ thần Tự do.
Hình ảnh to nhất ở chính giữa Tòa thị chính là cảnh nàng cởi áo choàng cứu bầy trẻ đang bị đe dọa bởi bầy sói tượng trưng cho lòng bác ái. Hình ảnh bên phải là nàng Marianne của tự do với thanh gươm, một nhánh cọ biểu tượng cho chiến thắng. Còn hình ảnh bên trái là Marianne bình đẳng, đội vành nguyệt quế, sau lưng là cụm olive tươi tốt, tay cầm cuộn sách có trục, bên dưới là cây tích trượng của thần Hermes. Tự do - Bình đẳng - Bác ái là 3 giá trị mà người Pháp nhấn mạnh trong công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của một thành phố.
Bài học thứ hai là tìm hiểu kiến trúc là một cơ hội tuyệt vời để rèn luyện khả năng phân tích một vấn đề có tính hệ thống.
Một điều mình thấy đặc biệt khi tìm hiểu sâu về kiến trúc đó là cơ hội được đi bóc tách rất sâu những vấn đề liên quan, từ sự hình thành, sự thay đổi của một công trình kiến trúc tiêu biểu đều có rất nhiều lý do mang tính thời đại đằng sau.
Thay vì nhìn thấy một loại gạch lát nền, một loại đá tảng đơn thuần ta sẽ đi tìm hiểu lý do tại sao chúng tồn tại ở công trình này, ở thời đại đó.
Nhìn lại công trình của người Hoa, bạn sẽ thấy các chi tiết trang trí bằng gốm rất đẹp và tinh xảo, theo bạn thì nguồn gốc của chúng đến từ đâu?
Thực ra trước đây người Hoa sẽ nhập khẩu từ Trung Quốc sang, nhưng khi quy mô các công trình lớn hơn, cùng với số lượng các công trình muốn sử dụng gốm men để trang trí ngày càng tăng thì họ quyết định làm lò gốm ở Việt Nam luôn để đỡ phức tạp về việc vận chuyển. Và với chất lượng đất phù hợp, Khu vực Cây Mai của Chợ Lớn được chọn để làm lò gốm phục vụ cho nhu cầu đó, kĩ thuật ban đầu do người Quảng Đông dạy. Và nhờ bối cảnh này mà chúng ta có Gốm Cây Mai, một thương hiệu gốm rất nổi tiếng của Việt Nam.
Còn với người Pháp, việc tận dụng nguyên liệu vật liệu địa phương cũng được thể hiện rõ nét ở công trình Bưu điện thành phố.
Khi bước từ ngoài vào bạn sẽ được thấy loại đá xanh xuất xứ Biên Hòa, thử tưởng tượng đá tảng mà ship từ Pháp về thì sẽ khó như thế nào. Hoặc loại sàn gạch ở trong Bưu điện cũng là được mua từ các hãng sản xuất từ nước khác, mà nhà cung cấp này thường sẽ cung cấp cho khắp Đông Nam Á luôn, bạn có thể bắt gặp những họa tiết tương tự ở Singapore hay Malaysia.
Bước vào trong Bưu điện bạn sẽ thấy khung trần hình vòm rất cao, bước vào dù không có điều hòa nhưng lại rất mát. Đó là nhờ hệ thống trần được thiết kế có mái vòm độc đáo phối hợp cùng hệ thống lấy sáng được tính toán tỉ mỉ đã tạo ra không gian rộng rãi, thoáng đãng cho tòa nhà, rất thoáng khi mà không bị hắt mưa thế mới tài tình chứ :))
Nhìn thẳng từ trong ra cửa chính bạn sẽ nhìn thấy hệ thống “rèm sắt” màu xanh được điều khiển bằng một tay kéo ở bên cạnh, trục kiến trúc bằng thép từ mái nâng từ rèm sắt điều khiển đồng bộ bằng tay kéo này đó.
Đúng thật là bất cứ thứ gì để vào đâu đều được tính toán hết sức hợp lý để giữ giá trị sử dụng được lâu dài.
Bài học cuối cùng, khám phá kiến trúc là một cách để chúng ta có thể quay ngược thời gian, nơi ta được cảm nhận rõ nét không gian sống động của quá khứ.
Được đắm chìm trong những kiến trúc có từ thế kỉ XIX của người Hoa hay những kiến trúc có tuổi đời hơn trăm năm những dấu tích lịch sử của Sài Gòn như Bưu Điện Thành phố, Nhà Hát thành phố mình thấy bản thân như được xuyên không, để được sống trong thời đại xưa.
Hành trình tìm hiểu nguồn gốc của các công trình là cơ hội để bạn tìm hiểu cuộc sống thường nhật của người xưa, cùng những giá trị, niềm tin họ từng có, cách họ suy nghĩ, những mong muốn của họ thông qua những gì mà những dấu tích hữu hình còn để lại.
Có nhiều cách để chúng ta có thể tìm hiểu về lịch sử, có thể thông qua việc đọc sách, việc xem phim, nhưng có lẽ được sống trong không gian thực và chạm vào những bức tranh, những viên gạch đã trải qua dòng chảy thời gian vẫn là một trải nghiệm khiến mình ấn tượng sâu sắc.
Kết lại
Chỉ qua hai buổi trải nghiệm thôi nhưng đã đủ để khiến mình đã nhìn nhận kiến trúc theo một cách rất khác so với trước đây.
Không chỉ là những tòa nhà sừng sững, im lìm hay những bản vẽ khô khan, kiến trúc như là điệu nhảy hòa quyện của văn hóa, thời đại mà con người sáng tạo ra một cách tài tình.
Mình thực sự biết ơn vì sau từng ấy thời gian, những công trình mang tính biểu tượng vẫn được gìn giữ và tiếp tục trùng tu, và có cả những thế hệ trẻ đang khao khát đi tìm hiểu về quá khứ của những điều thân thuộc bình dị của nơi mình sinh ra, để có thể góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Nếu có dịp bạn hãy thử khám phá những địa điểm, những bật mí nhỏ nhỏ trong bài của mình nhé, mình tin là bạn cũng sẽ sớm mê chuyến phiêu lưu này giống mình! Cheers 🙌
Ui chuyến đi này do Tản Mạn Kiến Trúc host đúng không ạ? Năm ngoái em cũng đi chuyến này trong chương trình ở trường em ^^
Bài viết siu có tâm và rất informative luôn ạ. Có một fun fact nho nhỏ em học là những hội quán người Hoa thường sẽ nằm cạnh trường học. Lúc đầu em khá bất ngờ vì em cứ nghĩ những nơi thờ cúng tôn giáo thì sẽ phải yên lặng để giữ tính trang nghiêm. Nhưng nhờ anh guide em mới biết là trong văn hoá người Hoa thì hội quán đại diện cho sinh hoạt cộng đồng, vậy nên mới được xây dựng ở ngay "giữa" cộng đồng ấy.
Một bài viết nữa thể hiện phong cách của Growing Mindfully, trải nghiệm và chia sẻ kiến thức cùng tất cả mọi người
Rất nhiều thông tin cũng như sự đúc kết, cảm nhận của tác giả
Xin cảm ơn tâm huyết cho bài viết <3