Tiền tệ: Bản chất của tiền và bài học từ những cuộc khủng hoảng tài chính
Tiền là gì? Và nó thay đổi ra sao?
Xin chào các bạn đọc của Growing Mindfully,
Gần đây cả giới tài chính đều đang rối loạn như cào cào vì Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Sự kiện này giống như một ngòi nổ mở đầu cho chuỗi những ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của thế giới hiện đại thế kỉ 21 vậy.
Vào những lúc rối ren như thế này, lúc mà người người nhà nhà đang lo sợ về một cuộc suy thoái tài chính nữa lại tới với muôn vàn câu hỏi kiểu như: Tiền có bị mất giá không? Mình liệu có nghèo đi hay không, vv, mình nghĩ zoom out ra bức tranh một chút, nhìn lại về quá khứ để xem có bài học lịch sử nào để chúng ta học hỏi không, cũng là một ý tưởng thú vị.
Thật tình cờ là đầu năm nay mình có đọc cuốn sách tên là: Tiền - Sự thật về một thứ không có thật, viết bởi Jacob Goldstein (nhà báo, host của kênh Planet Money NPR). Một chủ đề quá hợp thời điểm phải không? Và sau đây là một vài những key takeaways từ cuốn sách viết về tiền để chúng ta có thể suy ngẫm thêm cho bối cảnh kinh tế đang rất uncertain như bây giờ. Nào let’s gooo!
PHẦN 1: BẢN CHẤT CỦA TIỀN VÀ TÀI CHÍNH
#1 Câu hỏi đầu tiên: Bản chất của tiền là gì?
Bắt đầu bằng một câu hỏi về bản chất của đồng tiền để thấy thứ mà ai cũng cần, cũng thấy nó quan trọng, thực ra cũng khá đơn giản.
Chắc hẳn ai cũng biết “Tiền” không có thật.
Tiền là một câu chuyện được thêu dệt nên mà cả xã hội loài người tin tưởng. Chính tính xã hội, niềm tin của con người là thứ làm nên giá trị cho tiền. Chúng ta khoác lên cho nó một tấm áo choàng lung linh, lấp lánh lên một mảnh giấy, mảnh kim loại và boom, tiền có giá trị.
Nhiệm vụ nguyên sơ nhất của tiền là trở thành một công cụ để đảm bảo sự công bằng cho sự trao đổi từ thời kỳ xã hội nguyên thủy tới hiện đại.
Sự ra đời của tiền là do Cơ chế trao đổi Tiền - Hàng - Tiền vượt trội hơn rất nhiều so với Cơ chế trao đổi Hàng - Hàng trước đó. Hiển nhiên vì nó không đòi hỏi phải có sự trùng hợp kép về nhu cầu, và tiền chỉ cần làm được nhiệm vụ này là okiela rồi.
Từ việc trao đổi con gà - con cá của thổ dân, tới nhà cửa, ô tô, 7749 thứ hàng hóa dịch vụ của thế kỉ 21, tiền vẫn đang làm nguyên cái việc trong Job description từ thủa sơ khai nó được giao phó.
Tuy nhiên, tiền không dừng lại ở chức năng đơn giản như vậy.
Tiền và những thứ “gần-giống-tiền” dần dà đã trở thành nguồn nhiên liệu để tiếp sức cho những nguyên tắc trao đổi của loài người phát triển được thành toàn bộ nền kinh tế phức tạp như ngày nay.
Và cũng chính nó làm nên cấu trúc xã hội hiện đại mà loài người đang sống và phụ thuộc hàng ngày như các đô thị, siêu thành phố, nhà máy, siêu thị, trung tâm thương mại, vv.
Một chức năng nổi bật khác của tiền là vay nợ.
Ví dụ hôm nay bạn cần tiền, bạn vay và bạn hứa sẽ trả lại trong tương lai bao gồm tiền gốc và tiền lãi. Cơ chế đó cũng là nguồn gốc ra đời của các hình thức ngân hàng, quỹ, công ty cổ phần mà chúng ta đã quen biết ngày nay.
#2 Câu hỏi thứ hai: Ngân hàng hoạt động dựa trên nguyên lí gì, tại sao cứ khủng hoảng là ngân hàng bị ảnh hưởng?
Các ngân hàng ngày nay vẫn đang giữ nguyên nghiệp vụ khởi thủy từ 400 năm trước:
Khi bạn gửi tiền vào, ngân hàng sẽ đem tiền quay vòng và cho người khác vay một phần.
Số tiền bạn gửi vào ngân hàng hiện diện đồng thời ở cả 2 nơi cùng 1 lúc, vừa trong tài khoàn của bạn (tiền của bạn) vừa là tiền của người đi vay. Người vay cũng có thể đem tiền gửi lại vào ngân hàng khác. Vòng xoay của tiền lại được tiếp tục.
Ngành ngân hàng gọi đây là ngân hàng dự trữ theo tỉ lệ bắt buộc. Phần lớn tiền đang hoạt động trên thế giới theo nguyên lí này. Ngân hàng để đồng tiền của bạn làm việc để bánh xe nền kinh tế được quay vòng, tổng số tiền lưu thông chỉ bằng một phần nhỏ số tiền gửi tại các ngân hàng.
Đây cũng là nền tảng cho nghiệp vụ tài chính.
Tài chính là nghiệp vụ luân chuyển tiền tệ theo thời gian.
Matt Levine, nhà ngân hàng sau là nhà văn cũng nói: “Bản chất của tài chính là du hành thời gian. Tiết kiệm là chuyển nguồn lực từ hiện tại sang tương lai, tài trợ tài chính là mượn các nguồn lực từ tương lai cho hiện tại.”
Banker chuyển sang viết văn nên khái niệm tài chính cũng văn hoa ghê hen :))
Hiện tại tiết kiệm được đồng nào là các bạn đang dành cho bản thân của tương lai đó chứ còn vay nợ để tiêu xài hiện tại cho đỡ là bản thân của tương lai phải còng lưng làm lụng trả nợ đó nha :))
Các ngân hàng thực ra đang vay ngắn hạn của người gửi tiền rồi cho vay dài hạn.
Hai mốc thời gian của 2 đối tượng này thực ra rất khác nhau nên để duy trì được độ lệch pha của chúng thì sẽ an toàn cho bank, tránh tình trạng người gửi tiền đòi tiền mà bank lại không đòi được tiền từ người vay.
Bank run
Một thuật ngữ về ngân hàng mà thường đi kèm với khủng hoảng tài chính đó là Bank run.
Bank run là khi tất cả người gửi tiền đồng loạt rút lại tiền. Tất nhiên, vì tiền của bạn đang ở nhiều nơi (như cách giải thích ở trên), nên khi điều này xảy ra, ngân hàng sẽ không có đủ tiền mặt ngay lập tức để trả lại cho bạn.
Ngoài ra hiện tượng bank run còn có một biến thể khác gọi là “Self-fulfilling prophecy” để chỉ việc ngay ở các ngân hàng khỏe mạnh cũng có thể bị bank run.
Nếu công chúng tin rằng một ngân hàng sẽ đứng vững thì gần như chắc chắn nó sẽ đứng vững. Mặt khác nếu số đông tin rằng ngân hàng sẽ phá sản thì kiểu gì nó cũng sẽ phá sản. Ngay cả khi ngân hàng có tài chính rất tốt.
Cú bank run đầu tiên trong lịch sử
Cú bank run đầu tiên xảy ra tại trung tâm tài chính London vào năm 1672, khi các chủ ngân hàng (giới thợ kim hoàn) cho vua Charles vay rất nhiều vàng xong vì vua cần tiền để tuyên chiến với Hà Lan nên ông này tuyên bố bùng nợ. Boom! Người dân London đổ xô đi tới ngân hàng rút tiền của mình và khiến nhiều ngân hàng phá sản.
Hiện tượng bank run này là một chuỗi domino nguy hiểm bị thổi bùng lên từ nỗi sợ, vì cơ bản tiền của ngân hàng này cũng đang ở trong kho của ngân hàng khác nữa.
Năm 1933, năm Tổng thống Roosevelt nhậm chức cũng là thời điểm cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ nhất nước Mỹ đang xảy ra, và ông phát biểu: Điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ. (“The only thing we have to fear is fear itself.) Bởi vì nỗi sợ khiến người dân nườm nượp đi rút tiền. Và để ngăn chặn chuỗi domino này Đạo luật Ngân hàng Khẩn cấp đã được ban hành, công bố bank holiday, đóng cửa hệ thống ngân hàng trong 4 ngày để ngặn chặn dòng tiền không ngừng chảy ra khỏi ngân khố.
Vì mọi nguồn cơn đều xuất phát từ nỗi sợ nên để giải quyết nó chúng ta cần phải làm người ta an tâm là vấn đề sẽ được giải quyết!
Walter Bagehot cây bút lừng danh của The Economist từng viết vào thế kỉ 19:
Ngân hàng Trung Ương cần cho tất cả thương nhân, chủ ngân hàng nhỏ, người này người kia bất cứ ai thiếu tiền, vay tiền. Nếu công chúng biết ngân hàng sẽ đóng vai trò là người cho vay cuối, là chốt chặn thì họ sẽ không vội rút tiền ngay, và vậy là sẽ không có khủng hoảng tài chính.
Chính phủ đảm bảo tài khoản ngân hàng cho người dân. Tiền của mọi người đã được an toàn => No bankrun.
#3 Câu hỏi thứ ba: Vai trò của tiền đối với quốc gia là gì?
Một định nghĩa thú vị là tiền là thứ bạn dùng để đóng thuế.
Khi có nhiều thứ đang cạnh tranh nhau để trở thành tiền: Hối phiếu, tiền xe, bạc vàng, tiền giấy từ ngân hàng, thứ được nhà nước chọn là tiền thuế sẽ chiến thắng.
Trong quá khứ, người ta đã phải đóng thuế bằng nhiều hàng hóa khác nhau, từ thóc lúa, lụa là, cho tới tiền giấy do Nhà nước in.
Và khi Nhà nước muốn gain adoption nhanh cho loại tiền họ mới phát hành, không một cách nào powerful hơn việc áp dụng luật chỉ dùng loại tiền đó là thuế hợp pháp.
Tiền cũng giúp quốc gia có nguồn lực để đi xâm chiếm quốc gia khác, vì từ nuôi quân, chuẩn bị vũ khí đạn dược, đóng thuyền tất tần tật đều cần nguồn lực tài chính.
Vay tiền ở cấp độ quốc gia cũng là một câu chuyện rất khác so với cấp độ cá nhân. Vị thế và quyền lực của một quốc gia hiển nhiên phụ thuộc rất nhiều vào sức nặng của đồng tiền nước đó.
Người Đức thậm chí còn nói về đồng tiền của họ như sau: “Đồng Mark Đức là quốc kỳ của chúng tôi. Đó là một phần không thể tách rời của tự hào dân tộc; nước Đức chẳng còn gì khác nữa để mà tự hào.”
Khi một quốc gia còn giữ được đồng tiền của họ có giá trị, cũng giống như họ có nền độc lập vậy. Tiền đó là của bạn là bạn muốn in thêm bao nhiêu cũng được.
Vậy là xong phần 1 với những thông tin cơ bản về tiền và tài chính.
Vì cuộc chiến thương mại lần này là lưỡng hổ song đấu nên phần 2 mình sẽ cùng các bạn đi qua các sự kiện tiêu biểu trong nền kinh tế của 2 cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc xem thử nhé!
PHẦN 2: DÒNG CHẢY LỊCH SỬ TIỀN TỆ CỦA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC
#1 Hoa Kỳ và các cuộc khủng hoảng lớn nhất của xứ cờ hoa
Nền kinh tế của Hoa Kỳ tuy là phát triển sau các nước Châu Âu nhưng đã nhanh chóng phát triển thành thị trường tài chính lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng đã trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng trong lịch sử, tiêu biểu:
Năm 1873: Cuộc khủng hoảng sau khi từ bỏ bạc để chuyển sang bản vị vàng năm 1873. Giá cả hàng hóa Mỹ giảm trong 20 năm liên tiếp sau đó.
Trong suốt thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, cứ 10 đến 20 năm lại xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng quy mô lớn trên toàn nước Mỹ.
Nền kinh tế cá mập nhưng cũng rất hay hắt hơi xổ mũi.
Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ FED được thành lập và hoạt động mới chỉ từ năm 1913 tới nay.
FED là một trong những tổ chức quyền lực nhất thế giới, hoạt động như Ngân hàng Trung Ương của Mỹ - nơi có thể tạo ra hàng nghìn tỉ đô từ thinh không, tác động tới mình và bạn và bất cứ ai sử dụng tiền trên thế giới.
Mình từng thắc mắc tại sao các quốc gia đều có ngân hàng quốc gia của riêng họ (Bank of England, Bank of China, vv) nhưng Mỹ thì không?
Hóa ra người Mỹ từng có trauma với Ngân hàng Quốc gia.
Họ từng có ký ức không tốt với việc Quốc hội in thêm tiền để trả chiến phí khiến tiền chính phủ in trở thành không có giá trị gì, sau này họ hài lòng hơn với các ngân hàng tư nhân được chính quyền liên bang cấp phép, mỗi ngân hàng in tiền giấy của riêng mình, đổi được bạc và vàng ở ngân hàng đó. Vậy nên, người Mỹ luôn ác cảm với việc siêu quyền lực được đặt tay vào một nhóm người - ví dụ ngân hàng quốc gia duy nhất.
Từng có một Ngân hàng Quốc gia do Quốc hội Mỹ thành lập chưa sống sót nổi 20 năm, và có một Ngân hàng Hoa Kì thứ hai nữa ra đời sau đó. Dần dà với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan quản lý các ngân hàng tiểu bang và hệ thống ngân hàng nói chung, kiềm chế để bảo đảm các ngân hàng cho vay đúng theo khả năng của mình, công chúng cũng tin tưởng và ngân hàng hơn. Trách nhiệm không chỉ là đối với tiền của cổ đông mà còn là tiền của cả một quốc gia.
Nhưng sau đó Giấy phép của Ngân hàng này không được gia hạn (do một vị Tổng thống có niềm tin khác về tiền) nên Hoa Kì không có Ngân hàng Quốc gia trong hơn 70 năm sau đó. Và đó là thời kì của thị trường tiền tệ tự do, vô số ngân hàng, quá nhiều loại tiền.
Hiện nay, FED có nhiều loại công cụ khác nhau, nhưng về cơ bản chúng hoạt động trên một nguyên tắc:
Khi triển vọng kinh tế xấu đi, FED tăng cung tiền giúp chi phí vay tiền rẻ hơn, người đi vay dễ thở hơn, DN có tiền để đầu tư và thuê thêm lao động.
Nhưng khi người dân giảm chi tiêu do lo ngại về một tương lai bất định. (Nếu người ta tin giá sẽ giảm người ta sẽ chưa mua vội, bởi hàng hóa sẽ rẻ hơn trong tương lai). Tổng lượng tiền trong lưu thông giảm cộng thêm tình trạng thắt lưng buộc bụng làm giá cả giảm, người đi vay sẽ khó thêm, mất khả năng thanh toán, khiến ngân hàng phá sản, và tiếp tục vòng xoáy giảm phát.
Năm 1929 -1933: Sụp đổ thị trường chứng khoán và Đại Suy Thoái. Lúc ấy, FED chưa đầy 20 tuổi.
Còn trẻ người non dạ, FED tăng lãi suất để chống lại tình trạng “Chảy máu vàng” nhưng lại không lường trước được hậu quả ngoài ý muốn là: Nông dân và Doanh nghiệp phải trả lãi cao hơn cho các món nợ hiện tại, khiến phá sản hàng loạt, càng nhiều người thất nghiệp và giá cả giảm. Sau này người ta đã phân tích lại để thấy xuất phát là cuộc suy thoái thông thường nhưng FED và chế độ bản vị vàng đã gây ra một trận đại hồng thủy như thế nào.
Năm 1973: Khủng hoảng dầu mỏ. Khởi nguồn từ việc Hoa Kỳ hoàn toàn cắt đứt mối liên hệ giữa đô la với vàng, kết thúc thời kì bản vị vàng, thả nổi đồng đô la để in thêm tiền viện trợ cho chiến tranh (1972). Nhiệm vụ của FED không còn là một đô la đổi được bao nhiêu vàng mà là đổi được bao nhiêu hàng hóa phục vục người dân. Và đồng tiền của các quốc gia khác cũng như vậy.
Năm 2009: Cuộc khủng hoảng xuất phát từ quỹ thị trường tiền tệ.
Đó là giai đoạn các quỹ thị trường tiền tệ và thương phiếu trở thành một hệ thống ngân hàng mới mà không ai công nhận là ngân hàng (hệ thống ngân hàng ngầm Shadow banking).
Những thập kỉ cuối của thế kỉ 20 là thời kì thị trường tài chính siêu bùng nổ, rất nhiều người giàu, tập đoàn và quỹ hưu trí và các chính phủ nắm giữ quá nhiều tiền mặt mà không biết phải làm gì.
Tuy rằng nó khác với tiền nhàn rỗi có thể đem đi đầu tư, số tiền này cần dùng để trả lương vào ngắn hạn (trả lương tuần tới, chi trả lương hưu, vv).
Và dòng tiền ngây ngô đang lần mò tìm bến đỗ ngắn hạn, an toàn này đã thổi phồng bong bóng tài chính lớn nhất đầu thế kỉ XXI. Cuối cùng thì FED đã phải đứng ra làm người cho vay cuối cùng, nhằm ngăn chặn bank run của các ngân hàng ngầm.
Và cuộc khủng hoảng gần đây nhất mới chỉ xảy ra cách đây 18 năm.
Khi nhìn lại có thể thấy rằng nền kinh tế lớn số một thế giới là Hoa Kỳ cũng đã kinh qua rất nhiều sóng gió, ups and downs đủ cả, và đặc biệt tính biến động theo thời kỳ rất cao.
Không biết liệu rằng với sự cầm quyền của Donald Trump, với những quyết định mà ông thẳng thắn thừa nhận rằng ông đưa ra quyết định chủ yếu “theo bản năng, hơn bất kỳ điều gì khác”, danh sách cuộc khủng hoảng Mỹ sẽ có thêm cái tên nào nữa hay không. Who knows?
#2 Lịch sử tiền tệ của Trung Quốc
Trung Quốc là một case thú vị trong dòng chảy lịch sử của tiền tệ.
Tuy chúng ta đều biết rằng mô hình kinh tế hiện đại thời nay được bắt nguồn từ cuộc Cách mạng công nghiệp ở Anh cách đây khoảng 250 năm, nhờ tiến bộ công nghệ, hầu hết mọi người đều giàu hơn thế hệ trước.
Nhìn rộng ra một chút, chúng ta sẽ thấy 2 key drivers là cải tiến công nghệ và tăng trưởng kinh tế không chỉ xuất hiện từ 200 năm trước ở Anh. Trung Quốc cũng đã có một cuộc cách mạng kinh tế của riêng mình 800 năm trước đó.
Điều gì đã xảy ra với Trung Quốc khiến nó biến mất trong một trong những thời kì phát triển nhanh nhất của tiền tệ?
Trung Quốc cũng đã có những nguyên liệu cơ bản nhất để thổi bùng dòng chảy cuồn cuộn của tiền tệ như tiền giấy từ công nghệ làm giấy, công nghệ in ấn, la bàn, một nền quân chủ chuyên chế có quyền lực tuyệt đối, một thị trường hàng hóa bùng nổ ở ở thời người Mông Cổ - Đại Hãn.
Tuy nhiên, nhà Minh đứng đầu là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lại là một người không có thiện cảm với tiền tệ và nền kinh tế thị trường. Và vì là vua :)) cách ông ấy suy nghĩ có tầm ảnh hưởng không thể tưởng tượng được.
Sau khi giành lại Trung Hoa từ tay nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương muốn đưa Trung Quốc trở về mô hình làng xã tự cung tự cấp, người dân trồng trọt, canh tác và tự chia sẻ với nhau. Và những quyết định của triều Minh là cấm ngoại thương, từ bỏ nền kinh tế thị trường để quay lại hệ thống cống nạp và tái phân phối cổ xưa.
Và hậu quả tất yếu, vào giữa thế kỉ 15, tiền giấy biến mất hoàn toàn khỏi Trung Quốc.
Dân thường lại trở nên nghèo hơn so với tổ tiên của họ. Cuộc Cách mạng kinh tế cùng tiền giấy đã đi vào dĩ vãng, sau khoảng 300 năm.
Khoảng thời gian này, thật tình cờ lại vừa đúng bằng quãng thời gian loài người hiện đại đã thử nghiệm tiền giấy, tiến bộ công nghệ và những mô hình kinh tế tài chính mới.
Ngày nay, kinh tế được mặc định gắn với 2 chữ “tăng trưởng”, phát triển khoa học là hiển nhiên, tuy nhiên từ đốm sáng 300 năm của Trung Quốc, ta học được rằng không có gì đảm bảo kinh tế và công nghệ sẽ mãi mãi tiến lên. Phát triển không phải một đường một chiều. Các nền văn minh không phải chỉ trở nên giàu có hơn hay giậm chân tại chỗ, đôi khi, nghèo đi cũng là một kịch bản có thể xảy ra, và đôi khi tiền sẽ không cánh mà bay.
Kết lại
Nhìn lại, chúng ta có thể thấy tiền tệ tuy rằng bản chất khá đơn giản nhưng lại là một thứ thay đổi không ngừng theo thời gian.
Tiền thay đổi không ngừng cũng như cách xã hội loài người thay đổi qua các thời kì.
Công bằng mà nói thì chúng ta chỉ đang sử dụng một nền tài chính tiền tệ non trẻ và nó chắc chắn sẽ còn nhiều đợt điều chỉnh sắp tới.
Bản chất của tiền: tiền là gì, ai được phát hành tiền, tiền dùng để làm gì, đều mang tính thời đại, nhất thời chứ không phải trường tồn vĩnh viễn, không có gì là mãi mãi chính xác.
Những biến đổi của tiền đều xuất phát từ những người đã khoác lên những chiếc áo choàng hào nhoáng cho nó. Và cũng chính những lựa chọn ấy ảnh hưởng lên chính mỗi con người của chúng ta, ai sẽ có nhiều tiền, ai sẽ có ít tiền khi nền kinh tế đi lên hay là trắng tay khi thị trường đi xuống.
Mong là mình và các bạn sẽ vững tâm trong những đợt sóng sắp tới của nền kinh tế, bởi vì như Tổng thống Roosevelt đã nói: “The only thing we have to fear is fear itself.”
P/s: Với mình, viết lách là một cách giúp mình bớt overthinking, và đôi khi cũng là bớt cả những nỗi sợ nữa.
Nếu bạn cũng muốn học viết thì mình recommend khóa học Writing On The Net cho các bạn nha. Đặc biệt đang có mã ưu đãi 100K của Growing Mindfully tặng bạn với code: writeyourdream.
Chi tiết review mình để ở link này. Welcome các bạn đồng roai tới vũ trụ WOTN!
Em khá thích cách kể chuyện của chị. Mặc dù có những kiến thức đã biết qua nhưng có những cách nói khiến nó khá mới mẻ, có những góc nhìn nghe cũng thú vị. Ngoài ra cũng thích những fact chị kể xen lẫn những câu chuyện nữa, khá hay và bổ ích!
Bạn viết đỉnh quá, cảm ơn bạn