Thuốc đắng, lãi ngọt: Câu chuyện giá thuốc và đế chế nghìn tỷ của ngành dược phẩm
Ngành dược phẩm vận hành như thế nào? và Giá thuốc bị ảnh hưởng bởi những nhân tố gì?
Chuyện là đợt này, sức khỏe của mình có vấn đề nên mình phải đi khám ở bệnh viện khá nhiều.
Nhờ một lần tình cờ mua cùng 1 loại thuốc ở cả nhà thuốc ở bệnh viện và nhà thuốc bên ngoài, mình đã phát hiện ra thuốc ở bệnh viện được bán ở mức giá cao hơn, không chỉ một chút đâu, mà khoảng gap giá cực kì đáng kể (tầm 30%).
Mình kiểu ủa, tại sao???
Thuốc chữa bệnh thì nên bán theo giá ổn định để những người bệnh họ có thể chi trả được chứ, sao lại chỗ bán cao chỗ bán thấp?
Và thế là mình quyết tâm đi tìm câu trả lời cho cái sự thật mình thấy không hợp lý này.
Sau một hồi tìm hiểu, mình thực sự wow về ngành công nghiệp dược phẩm - đế chế có giá trị hàng nghìn tỷ đô và đây là một vài điều mình góp nhặt được muốn chia sẻ với các bạn.
Warning: Bài viết này sẽ có hơi nhiều số liệu một chút, nhưng mình hứa sẽ keep it simple nhất có thể, mong là các bạn kiên nhẫn ở lại tới cuối bài với mình 😀
Zô nà!
Trước khi đi vào chi tiết thì hãy cùng mình nhìn thử bức tranh tổng quan của ngành công nghiệp dược phẩm nhé!
1. Tổng quan ngành Healthcare & Dược phẩm
Healthcare là industry có quy mô lớn nhất với giá trị ước tính khoảng 8.45 nghìn tỷ USD vào năm 2021, theo sau là Retail (5.27 nghìn tỷ USD) và Finance (4.75 nghìn tỷ USD). (1)
Đây là fact đầu tiên khiến mình wow vì trước giờ mình cứ nghĩ Retail hay Finance là bự nhất, ai ngờ trùm cuối là Healthcare.
Lĩnh vực Healthcare, theo định nghĩa của Investopedia, bao gồm các dịch vụ y tế, sản xuất thiết bị y tế hoặc thuốc, cung cấp bảo hiểm y tế hoặc các cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. (2)
Các ngành công nghiệp nằm trong Healthcare gồm có 4 loại chính:
Dược phẩm: Các loại thuốc điều trị bệnh, thực phẩm chức năng, vv
Thiết bị y tế: Các nhà cung cấp các sản phẩm từ phổ thông như băng gạc, găng tay tới các máy móc chuyên sâu như máy cộng hưởng từ MRI, robot phẫu thuật, vv.
Các công ty Bảo hiểm sức khỏe
Các cơ sở chăm sóc sức khỏe: Doanh nghiệp vận hành bệnh viện, phòng khám, phòng thí nghiệm, viện dưỡng lão, vv.
Nhìn sâu vào mảng Dược phẩm:
Theo IQVIA, tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu được dự báo tăng trưởng kép (CAGR) từ 3 – 6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính sẽ đạt 1,9 nghìn tỷ USD vào năm 2027 (Statista). (3)
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục quản lý Dược Việt Nam (DAV), quy mô thị trường dược phẩm đạt 7,3 tỷ USD năm 2022 (để cho dễ so sánh thì ~ 2% GDP Việt Nam (408 tỷ USD), gấp hơn 2 lần với năm 2015 (3,3 tỷ USD). Ở Mỹ, chi tiêu cho dược phẩm chiếm 18% GDP.
Trong khi các quốc gia phát triển có quy mô thị trường được dự báo đi ngang với CAGR chỉ 1-2%, Việt Nam được dự báo sẽ duy trì được mức CAGR cao hơn trung bình ngành, khoảng 8% (3) do 2 yếu tố chính:
Xu hướng nhân khẩu học:
Tuy nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với 70% dân số có khả năng lao động, nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam cũng đang nhanh nhất thế giới.
Theo Tổng cục thống kê, năm 2022, có khoảng 13% dân số trên 60 tuổi, nhưng tới năm 2050, nhóm này dự báo sẽ chiếm khoảng 25%.
Thu nhập bình quân tăng lên dẫn đến mức chi tiêu nhiều hơn cho dược phẩm:
Theo Fitch Solutions, từ mức tiêu 1,46 triệu đồng năm 2021, con số này sẽ chạm mức 2,12 triệu đồng năm 2026, tăng trưởng kép trong 5 năm là 7,8%, chiếm khoảng 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.
Phân loại Dược phẩm
Để phân loại dược phẩm thì có vô vàn các nhóm chính theo các chức năng điều trị, ví dụ thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, thuốc tim mạch, thuốc thần kinh, thuốc tiêu hóa, vv
Nhưng để hiểu rõ hơn về giá thành của thuốc, người ta chia thuốc thành 2 khái niệm:
Thuốc biệt dược (thuốc gốc - brand-name medicines) : Thuốc biệt dược là loại thuốc đầu tiên được nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường. Các công ty dược phẩm đã đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc và nhân lực để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và đăng ký bản quyền cho loại thuốc này.
Thuốc generic: Thuốc generic là bản sao của thuốc biệt dược, có cùng thành phần hoạt chất, hàm lượng, dạng bào chế và chỉ định điều trị. Vì không phải đầu tư vào R&D, thuốc generic thường có giá rẻ hơn biệt dược, và nhờ sự cạnh tranh giữa các công ty sản xuất thuốc generic, sản phẩm cũng thường có giá cả cạnh tranh.
Thị trường dược Việt Nam
Thị trường dược Việt Nam được cho là vẫn là “sân chơi” của doanh nghiệp nước ngoài, vì giá trị sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đạt 46% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân.
Ngành dược Việt Nam cơ bản chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc thù, chỉ giải quyết được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường, bệnh mãn tính. Các nhà máy sản xuất dược đạt chuẩn GMP - WHO cũng chủ yếu sản xuất thuốc generic. (5)
Có thể thấy hơn một nửa số thuốc được sử dụng để chữa bệnh cho người Việt Nam vẫn nhập từ doanh nghiệp nước ngoài, và năng lực sản xuất của các công ty dược nội địa vẫn còn nhiều hạn chế nên chỉ mới chủ yếu sản xuất hàng loạt các thuốc đã hết bản quyền.
Top 10 công ty dược phẩm lớn nhất thế giới
Cùng thử nhìn chân dung các ông lớn có mặt trong câu lạc bộ nghìn tỷ của ngành công nghiệp này nhé.
Trong top 10 công ty dược ranking theo doanh thu, chúng ta có thể thấy 6 đại diện từ Mỹ, ngoài ra Đan Mạch và Thụy Sĩ cũng là nơi có nhiều công ty dược phẩm hàng đầu thế giới và phần lớn các công ty có mặt trong danh sách này đều có tuổi đời hơn 100 năm. (6)
Một vài cái tên nổi bật là Eli Lilly được thành lập vào năm 1876 bởi Eli Lilly, một dược sĩ và cựu chiến binh của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, nổi tiếng với nhiều sản phẩm điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, và các rối loạn thần kinh, công ty này cũng mới launch các sản phẩm thuốc giảm cân. Đặc biệt là giá Insulin ở Mỹ trung bình đắt hơn 5 lần so với các quốc gia khác.
Xếp hạng 2 là Novo Nordisk, công ty 100 tuổi từ Đan Mạch, đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất Insulin - một loại thuốc mới được khám phá từ những năm 1920.
Johnson & Johnson đứng vị trí số 3 là một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ, được thành lập từ năm 1886, không chỉ sản xuất dược phẩm mà còn cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tiêu dùng, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Một số sản phẩm nổi tiếng của J&J bao gồm: Tylenol, Band-Aid, Neutrogena, Acuvue…
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy các cái tên quen thuộc từ hồi Covid như AstraZeneca, Pfizer.
Mình nghĩ với lợi thế là công ty có tiềm lực tài chính khủng và đội ngũ R&D hùng hậu, không ngạc nhiên khi các hãng lớn này có thể đi đầu trong cuộc đua sản xuất thành công vaccine ngừa Covid-19.
Một điều thú vị là năm 2030 là thời điểm hàng loạt patents của các hãng dược lớn sẽ bị hết hạn, 10 hãng dược lớn dự báo họ sẽ mất khoảng tầm 46% doanh thu do các công ty generic được phép sản xuất thứ thuốc họ đang độc quyền. Mình nghĩ cũng hợp lý vì dù gì, thì họ cũng đã bào cái bằng sáng chế đó hết cả đời người rồi mà :))
Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng đang cân nhắc loại bỏ bảo hộ bản quyền để có thể giảm mức giá thuốc xuống.
Về category thuốc thì Ung thư, miễn dịch, và tiểu đường là 3 therapy areas có tốc độ tăng trưởng cao và có quy mô spending dự báo vào 2027 cao nhất. Đây đều là những căn bệnh của thế kỉ 21 và chắc chắn số người mắc các bệnh này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
2. Chuỗi cung ứng của ngành dược phẩm
Cũng như các mặt hàng khác, thuốc cũng trải qua các khâu khác nhau trên chuỗi cung ứng trong hành trình thực hiện sứ mệnh chữa bệnh cứu người của mình.
Nhà sản xuất nguyên liệu dược (API): Cung cấp các thành phần cơ bản để sản xuất thuốc.
Nhà sản xuất thuốc: Chuyển đổi nguyên liệu thành sản phẩm thuốc hoàn chỉnh, đóng gói và dán nhãn. Các hãng dược phẩm nằm ở vị trí này trong chuỗi cung ứng.
Nhà phân phối: Vận chuyển thuốc từ nhà sản xuất đến các nhà thuốc, bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khác.
Nhà thuốc, bệnh viện: Bán lẻ thuốc trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc cung cấp thuốc cho bệnh nhân.
Cơ quan quản lý nhà nước: Kiểm soát chất lượng, cấp phép và giám sát toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng thuốc.
Các nhà cung cấp dịch vụ khác: Bao gồm các công ty logistics, công ty bảo hiểm, các công ty tư vấn...
2 Kênh phân phối thuốc chính
Về kênh phân phối, có 2 loại chính là ETC và OTC, mình tạm bỏ qua kênh phân phối thương mại điện tử nhé.
Kênh phân phối ETC (Ethical Drugs Channel)
Kênh phân phối OTC (Over-the-Counter Drugs Channel)
Thực trạng kênh phân phối thuốc tại Việt Nam
Tại Việt Nam, doanh thu thuốc trên kênh ETC (bệnh viện) chiếm 40% quy mô thị trường, 60% còn lại nằm ở kênh OTC, lần lượt đạt 3,4 tỷ USD và 5,1 tỷ USD. Trong khi kênh ETC tăng trưởng mạnh mẽ 18%, trái lại OTC tăng trưởng âm 1%. Kênh ETC tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng chính của ngành dược trong năm 2024.
Dựa vào chính sách ưu tiên sử dụng thuốc generic thay vì biệt dược gốc nhằm giảm giá thành, giảm gánh nặng kinh tế cho quỹ BHYT, giá trị trúng thầu tại các nhóm từ 2 – 4 đạt 8 nghìn tỷ đồng (+50%) với tỷ trọng thuốc nội địa lên tới 87% (+5pps). Đây được xem như chỉ báo sớm về xu hướng tăng trưởng của các công ty dược nội địa.
Mặt khác, kênh OTC dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành khoảng 7-8% nhờ hệ thống phân phối rộng lớn của các chuỗi cửa hàng thuốc bán lẻ và thói quen mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân. (3)
3. Tại sao giá thuốc có sự chênh lệch?
Back lại câu chuyện tại sao mình mua cùng 1 loại thuốc ở 2 mức giá khác nhau.
Vì mình mua cùng 1 loại thuốc nên assume không có sự khác biệt về giá do là thuốc biệt dược hay thuốc generic.
Vậy mình nghĩ sự khác biệt về giá là nằm ở kênh phân phối.
Nhà thuốc trong bệnh viện chia làm 2 loại: Nhà thuốc BHYT (gọi là A) và Nhà thuốc không có BHYT (gọi là B).
Thuốc mà mình mua là ở Nhà thuốc B.
Nhà thuốc B được coi như một nhà thuốc tư bình thường nhưng được bán luôn trong bệnh viện.
Nhà thuốc có BHYT (A) so với Nhà thuốc Không có BHYT (B)
Thuốc từ Nhà thuốc A được tiến hành thông qua hình thức đấu thầu.
Hình thức này theo lí thuyết sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm trong việc sử dụng ngân sách nhà nước (với đơn thuốc được BHYT hỗ trợ) do các nhà cung cấp thuốc có cơ hội tham gia cạnh tranh với các tiêu chí đánh giá rõ ràng.
Tuy nhiên không phải các nhà cung cấp thuốc đều có cơ hội cạnh tranh công bằng vì luật đấu thầu sẽ có nhiều ràng buộc về khả năng tài chính của bên tham gia đấu thầu, dẫn đến việc những mối cung cấp thuốc cho bệnh viện thường thuộc về các hãng cung cấp dược lớn, một yếu tố dẫn đến sự độc quyền monopoly. Và cũng không ít vụ việc, các nhà lãnh đạo bệnh viện lạm dụng quyền để ưu ái một số bên thầu, để nhận được lợi ích.
Bạn có thể đọc thêm Vụ việc giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội bị phạt 3 năm tù do thông thầu, thổi giá thiết bị y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 53,5 tỷ đồng tại link này (9).
Rõ ràng là việc được cung cấp độc quyền thuốc, sản phẩm vật tư cho một khách hàng sộp như bệnh viện sẽ làm mất đi tính cạnh tranh giá cả cơ bản trên thị trường, làm mất quyền lợi của người tiêu dùng.
Không những vậy, nhà thuốc A cũng gặp nhiều bất cập khi các loại thuốc được BHYT chi trả thường khá hạn chế, dẫn đến việc ví dụ một đơn thuốc bác sĩ kê 5 loại, thì chỉ có 1 loại được BHYT chi trả, 4 loại phải mua ngoài. Mình tìm hiểu mới thấy hóa ra có rất nhiều bất cập trong topic này bạn có thể đọc tại link (10).
Tóm tắt lại thì Nhà thuốc loại A tuy rằng giá cả có phần được ổn định do có chính sách Nhà nước hỗ trợ đảm bảo quyền lợi của người bệnh, nhưng danh mục thuốc hạn chế, quy trình thanh toán lại phức tạp (vì chịu quy trình của BHYT). Ngược lại Nhà thuốc loại B, với rất nhiều lợi thế về mức giá, danh mục, quy trình thanh toán, họ lại đặt mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận.
Nhà thuốc tư nhân của bệnh viện (B) và Nhà thuốc tư nhân ở ngoài (C)
Rùi, giờ vào phần chính, là so sánh nhà thuốc tư nhân ở bệnh viện (nhà thuốc B ở trên) và nhà thuốc tư ở ngoài (nhà thuốc C).
Đây cũng là 2 lựa chọn đối lập của người tiêu dùng vì nó nằm ở 2 kênh phân phối khác nhau (ETC vs OTC).
Nhà thuốc B so với nhà thuốc C quả là Goliath so với David, với quá nhiều lợi thế.
Nếu phân tích theo mô hình 4P, nhà thuốc B có:
Place: Nhà thuốc B sở hữu một vị trí đắc địa nơi tập trung các khách hàng tiềm năng (người bệnh). Như đã phân tích ở trên, dù cùng bán hàng trong cùng một khuôn viên, nhưng nhà thuốc B vẫn có nhiều lợi thế so với nhà thuốc A, dẫn đến việc đây vẫn là một lựa chọn số 1 cho những người bệnh đang khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Kiểu như trong lúc cần thuốc gấp mà nhà thuốc BHYT hết thuốc (việc thường xuyên xảy ra), không có loại trong bác sĩ kê thì lựa chọn đầu tiên vẫn là nhà thuốc tư của bệnh viện.
Lợi thế về place này cũng giống như căng-tin trong trường so với mấy quán ăn ở ngoài trường vậy, lock được pool user quá bự, không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Tuy nhiên, để có vị trí đắc địa như vậy, công ty phân phối đứng sau nhà thuốc B cũng cần trải qua nhiều bước phức tạp để có được miếng bánh béo bở này, họ cũng cần phải trả khoản chi phí cao cho mặt bằng này nhưng mình nghĩ thực sự đây là unfair advantage - Lợi thế cạnh tranh độc quyền của nhà thuốc B.
Product: Nhà thuốc B thường có đầy đủ các loại thuốc kê đơn, đặc biệt là những loại thuốc chuyên dụng. Không phải ngẫu nhiên mà người ta hay bảo là tới Nhà thuốc Bệnh viện ABC để mua thuốc XYZ, đó là bởi vì nhà thuốc trong 1 bệnh viện chuyên về một lĩnh vực nào đó (Da liễu, Tim, Mắt, Nhi, vv) sẽ thường có danh mục thuốc chuyên dụng đa dạng, phong phú.
Thuốc ở nhà thuốc B cũng thường có chất lượng được kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, xuất xứ hơn là thuốc ở ngoài. Mình đoán là do Bộ Y tế có thể dễ dàng kiểm tra và quản lý hơn là ngoài thị trường tự do.Một sản phẩm của nhà thuốc bên cạnh thuốc, mình nghĩ là dược sĩ tư vấn. Rõ ràng là một dược sĩ được cấp phép trong một nhà thuốc lớn như này sẽ có kiến thức uy tín và chuyên sâu hơn là dược sĩ ở ngoài.
Promotion: Nhà thuốc B mình nghĩ không cần dùng tới các chương trình giảm giá như nhà thuốc tư nhân ngoài vì họ đã có một tập khách hàng mà mức sẵn sàng chi trả và nhu cầu đều cao rồi.
Một điều mình thấy là có sự liên kết chặt chẽ giữa đơn thuốc bác sĩ kê với các dòng thuốc bán chạy ở nhà thuốc B. Nếu công ty phân phối muốn đẩy mạnh doanh số của một dòng thuốc nào đó (ví dụ là do công ty dược phẩm muốn đẩy cầu cho dòng thuốc mới, có giá cao hơn) thì họ có thể tiếp cận các bác sĩ để họ điều hướng các đơn thuốc sử dụng thuốc đó.
Price: Tổng hòa từ những ưu điểm về place, product, giá cả của những nhà thuốc này dĩ nhiên cao hơn so với các nhà thuốc tư nhân ở ngoài. Mình nghĩ đây là câu trả lời cho cái sự ủa ban đầu của mình. Tuy nhiên cao hơn bao nhiêu thì phù hợp, cái này mình nghĩ là một câu hỏi lớn khác.
Đọc đến đây, cơ bản bạn đã có thể đã có câu trả lời cho cái sự Ủa? của mình về chênh lệch giá thuốc. Nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về ngành này thì mình cũng có chuẩn bị thêm vài thứ hay ho cho bạn ngay sau đây.
4. Một câu hỏi muôn thủa là tại sao giá thuốc (từ đầu vào, chưa tính các loại phí phát sinh từ kênh phân phối) lại đắt?
Các công ty dược phẩm thường xuyên tuyên bố rằng giá thuốc cần cao để bù đắp khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Nếu chi phí R&D thực sự là nguyên nhân khiến giá thành thuốc cao thì giữa 2 chỉ số này sẽ có mối quan hệ tương quan chặt chẽ. Tuy nhiên trong bài nghiên cứu định lượng đầu tiên về 2 nhân tố này Association of Research and Development Investments With Treatment Costs for New Drugs Approved From 2009 to 2018, người ta đã chỉ ra:
Không có mối liên hệ giữa chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) và giá thuốc. Các công ty dược phẩm không thể dùng lý do chi phí R&D cao để biện minh cho giá thuốc cao.
Phương Pháp Nghiên Cứu: Nghiên cứu này phân tích 60 loại thuốc được FDA phê duyệt từ 2009 đến 2018, sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính và kiểm tra hệ số tương quan.
Dữ Liệu Được Phân Tích: Dữ liệu về chi phí R&D và giá thuốc từ FDA và cơ sở dữ liệu SSR Health, bao gồm giá niêm yết và giá ròng tại thời điểm ra mắt và năm 2021.
Các bạn có thể đọc thêm bài nghiên cứu tại link (11).
Trong bài viết “Why do your prescription drugs cost so much?” của Bác sĩ Robert H. Shmerling, tại trang Harvard Health Publishing, ông chỉ ra top 5 lí do đằng sau mức giá cao của thuốc tại Mỹ. (12)
Tuy không phải chính xác 100% cho thị trường Việt Nam nhưng mình nghĩ cũng có vài điểm tương đồng.
#1: Động cơ lợi nhuận của các công ty dược phẩm: Kể cả khi trừ đi các chi phí R&D, các công ty dược phẩm sở hữu phần lớn miếng bánh của thị trường vẫn lãi chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
#2: Pharmacy benefit managers (PBMs) người trung gian điều phối lợi ích cho các hãng dược lớn, các cơ sở y tế và các công ty bảo hiểm. PBMS thương lượng giá với bên bảo hiểm và hãng dược, họ quyết định bảo hiểm sẽ chi trả thuốc nào và bệnh nhân cần trả bao nhiêu. Các mức hoa hồng họ nhận được thường được bao gồm trong tổng chi phí của thuốc, meaning càng nhiều thuốc giá cao được duyệt họ càng có nhiều hoa hồng.
#3 Chia sẻ chi phí: Những năm gần đây, bên bảo hiểm thường chuyển dần chi phí sang người bệnh thông qua phí đồng thanh toán, khoản khấu trừ và phí bảo hiểm cao hơn.
#4 Các vấn đề pháp lý: Các nhà thuốc dược phẩm có thể nộp nhiều bằng sáng chế và kiện các đối thủ cạnh tranh để gia tăng thời gian độc quyền của họ với một loại thuốc cụ thể. Hoặc họ cũng tạo ra các loại thuốc na ná nhau, chỉ khác nhau một chút thành phần để có được bằng sáng chế cho loại thuốc này. Một số công ty dược phẩm mua lại bằng sáng chế cho các loại thuốc cũ và sau đó tăng giá.
#5 Chi phí quảng cáo: Các hãng dược chi gần 8.1 tỷ đô cho ads trong năm 2022, một mức chi khủng cho ngành mà lúc đầu mình tưởng còn không cần Marketing.
Chi phí này làm tăng giá thuốc trong khi đẩy demand cho các loại thuốc mới, đang được promote rộng rãi. Và thường thì cái gì được Marketing nhiều thì tổng chi phí bị đội lên, trong khi không phải lúc nào thuốc mới cũng tốt hơn thuốc cũ.
Kết bài
Hành trình khám phá sự chênh lệch giá thuốc đã hé lộ cho mình một bức tranh phức tạp về đế chế nghìn tỷ đô của ngành dược phẩm.
Dù mang sứ mệnh cao cả là bảo vệ sức khỏe, ngành công nghiệp này vẫn tồn tại những bất cập khiến nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, khó khăn trong tiếp cận thuốc chữa bệnh.
Hy vọng là bài viết đã mang đến cho các bạn thêm một vài thông tin về ngành dược phẩm và quan trọng là chúc các bạn sẽ có thật nhiều sức khỏe, để không phải tốn tiền mua thuốc nhé!
Link tham khảo:
1. https://mediaonemarketing.com.sg/10-biggest-industries-2021/
https://viracresearch.com/so-lieu-thong-ke-nganh-duoc-pham-2023/
https://www.visualcapitalist.com/cp/worlds-50-largest-pharmaceutical-companies/
https://jamanetwork.com/journals/jamanetworkopen/fullarticle/2796669
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay 2 của Writing On The Net Alumni. #wotn #vietdeuvahay
Nội dung thì ai cũng khen rồi:) mình thấy có cái hay nữa là tên đặt kiểu mỉa mỉa buồn cười v😂
Vòng đời con người có sinh-lão-bệnh-tử thì Retail với Finance chỉ kiếm lợi được ở đoạn "Sinh" với cùng lắm là "Lão" thôi, còn Healthcare bao sân hết nguyên đời người nên nó là trùm cuối cũng phải ạ 😂