Tại sao cần có checkpoint cho đường chạy marathon “sự nghiệp” của bạn?
Checkpoint tưởng chỉ có trong marathon thôi?
Tháng 5 năm nay, là tròn 2 năm mình đi làm ở công ty đầu tiên sau khi ra trường.
2 năm, 4 lần nửa năm, 8 quý, 24 tháng.
Mình gọi mốc này là CHECKPOINT đầu tiên trong đường chạy marathon SỰ NGHIỆP của mình.
I. Vậy checkpoint là gì thế nhỉ?
Trong thuật ngữ marathon:
Checkpoint là các điểm được Ban tổ chức đánh dấu trước, bạn sẽ phải chạy đến được điểm này trong một khoảng thời gian nào đó. Dựa vào checkpoint, bạn sẽ biết bạn đã chạy được bao nhiêu thời gian và có đạt yêu cầu về giới hạn thời gian không.
Tại các checkpoint thường cũng sẽ là điểm cung cấp thêm thức ăn, dinh dưỡng, nước, nhà vệ sinh và điểm y tế.
Trong sự nghiệp, định nghĩa của mình là:
Checkpoint là những cột mốc trên con đường phát triển của bạn. Ở checkpoint sẽ có những yêu cầu nhất định về kiến thức, kĩ năng ứng với từng giai đoạn mà bạn có thể so sánh với năng lực hiện tại của bản thân để xem mình có đạt yêu cầu hay không.
II. Cơ mà tại sao checkpoint lại quan trọng?
Để mình kể ví dụ của bản thân nha.
Năm 2022, mình tham gia chương trình Quản trị viên tập sự - Management Trainee (MT) của một công ty công nghệ.
Ở lúc mới bắt đầu, chương trình đã chia sẻ về lộ trình phát triển của các bạn MT sẽ trải qua 4 đợt luân chuyển phòng ban (rotation) cùng các tiêu chí đánh giá sau mỗi đợt (evaluation).
Sau 2 năm, các bạn MT sẽ được Ban hội đồng đánh giá tổng quát xem có đạt được các tiêu chí để tốt nghiệp chương trình, nôm na là có được promotion hơn không.
Việc đậu MT và có một lộ trình rõ ràng để phát triển là một điều vô cùng may mắn đối với mình, vì nó là những checkpoint cụ thể.
Mình biết rõ trong 2 năm đó, mình cần phải hoàn thành những gì ở từng chặng, tích lũy, bổ sung thêm những kĩ năng, kiến thức gì để có thể lên level ở chặng tiếp theo.
Không chỉ bản thân mà cả những nguồn lực bên ngoài cũng support mình để mình hoàn thành được mục tiêu này.
Manager của mình cũng hiểu rõ cần tạo cơ hội gì cho mình để bù đắp những kĩ năng mình thiếu.
Phòng nhân sự cũng tạo điều kiện cho tụi mình đi học thêm các khóa học bổ sung kĩ năng.
Các anh chị lãnh đạo trong công ty là ban giám khảo, giúp tụi mình đánh giá khách quan sự nỗ lực, trưởng thành của tụi mình qua từng giai đoạn.
2 năm trước, mình là một fresh graduate, hoài bão thì nhiều nhưng lại thiếu thực tế.
Nếu không có những checkpoint được vạch sẵn ra như vậy…
…chắc chắn mình sẽ mất nhiều thời gian để tìm hiểu và xác định phương hướng phát triển cho bản thân và sự trợ giúp cũng sẽ giới hạn hơn.
Mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều!
Nhìn lại, mình biết ơn vô cùng quyết định của bản thân đã dám thử thi, nỗ lực hết sức để đậu MT và bền bỉ hoàn thành chặng marathon 2 năm đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
III. Làm thế nào để có checkpoint?
Mình nghĩ với tầm quan trọng của những chiếc checkpoint trong sự nghiệp như vậy, dù bạn đang làm freelance hay office, có một chương trình cụ thể nào hay không, thì bạn vẫn nên chủ động vạch sẵn con đường mà bạn muốn dành thời gian và công sức vào đó.
Một số thứ mình nghĩ có thể giúp chúng ta vạch ra checkpoint và hoàn thành nó đó là:
Tự đặt ra câu hỏi cho bản thân
2 năm nữa mình muốn mình trở thành người như thế nào? Bộ kỹ năng nào mình muốn thành thạo? Mình sẽ muốn đào sâu chuyên môn hay muốn phát triển theo hướng quản lý nhân sự? Mình có muốn gắn bó tiếp với ngành hiện tại không?
Tìm tới những anh chị đi trước
Những anh chị này có thể là version tương lai mà bạn muốn hướng tới. Bạn có thể nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm đúc rút được, lời khuyên về hướng đi bạn đang có etc.
Đặc biệt là có thể hỏi họ về những trade-off họ đã có để có được level bạn đang mơ ước (ví dụ sức khỏe, thời gian chất lượng cho gia đình, bản thân). Điều này giúp checkpoint bạn vạch ra có thêm tính thiết thực, đỡ bị quá màu hồng.
Bắt đầu xây dựng kế hoạch
Nếu như checkpoint của bạn đại loại là: Được promote lên leader sau x năm thì bạn cần hiểu rõ những yêu cầu cần được đáp ứng với vị trí leader này từ đó chia ra các bước nhỏ hơn, ví dụ lead 1 người, lead 2 người, lead dự án nhỏ, dự án to, etc.
Những bước nhỏ này giúp bạn hình dung cụ thể việc cần phải làm để đạt được checkpoint và nó cũng sẽ liên hệ nhiều tới level của bạn hiện tại.
Một điểm quan trọng là bạn nên chia sẻ kế hoạch này với các nguồn lực từ bên ngoài như manager, mentor, coach của bạn. Biết cách kết hợp nguồn lực này với động lực bên trong sẽ là một chiến lược sáng suốt giúp con đường bạn đi suôn sẻ hơn nhiều, kiểu như đứng trên vai người khổng lồ ấy.
Giả dụ manager có thể đóng góp cho plan của bạn cái nhìn dài hạn và hợp với context của công ty hơn. Ví dụ công ty đang cần phát triển mảng kinh doanh mới bạn có thể trở thành lead của dự án đó thay vì quanh quẩn với những dự án cũ.
Check-in thường xuyên và điều chỉnh nếu cần
Vì checkpoint là các cột mốc sự nghiệp của bạn nên bạn cần phải thực sự chủ động take ownership. Thường xuyên check-in để biết mình nhanh/chậm, over/under achieve với những mục tiêu nhỏ đóng góp vào checkpoint lớn.
So sánh, đánh giá và điều chỉnh.
Nếu chậm hơn progress bạn mong muốn, hãy tìm cách để tăng tốc. Nếu nhanh hơn progress, tìm hiểu điều gì bạn đang làm tốt và tiếp tục phát huy.
Đôi khi, ngay cả checkpoint cũng nên linh hoạt.
Tại thời điểm bạn set checkpoint, với niềm tin và sự lạc quan vào tương lai, có thể checkpoint của bạn sẽ bị quá màu hồng hoặc quá đơn giản. Cộng thêm việc, với công nghệ, mọi thứ thay đổi quá nhanh, checkpoint của bạn cũng cần được update để phù hợp với bối cảnh và điều bạn thực sự mong muốn.
------
Kết lại
Checkpoint trong marathon là những cột mốc giúp chúng ta biết đã đi đúng hướng, đi với tốc độ đạt yêu cầu.
Checkpoint trong sự nghiệp giúp chúng ta chủ động hơn với mục tiêu phát triển bản thân, thay vì mơ hồ không biết mình đang ở đâu trên chặng đường tưởng như không có điểm kết khi làm nô lệ tư bản.
Vì người trẻ chúng mình dành rất nhiều thời gian cho công việc, mong là chúng mình ai cũng sẽ xác định được checkpoint dành cho mình và hoàn thành được nó nhé!
“Xác định được mục đích là khởi đầu của mọi thành tựu” - (W. Clement Stone)
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Image source: https://andiamocreative.com/portfolio/illinois-marathon-poster-illustration/
trời ơi, ngưỡng mộ cách viết khoa học, gãy gọn, xâu chuỗi dễ hiểu ntnnnnnn