“Nghề của mẹ em là ba chấm, mẹ luôn bảo anh điền là nội trợ
Để những câu hỏi tại sao luôn vương vấn ở nơi anh
Chỉ sau này anh nhận ra là có lẽ do ở trong tâm trí
Bán bánh mì chỉ là nghề phụ, với mẹ nghề chính là nuôi anh…”
Khi nghe những câu rap này của Phúc Du, mình cũng cảm thấy rất đồng cảm.
Nghề của mẹ mình cũng là nội trợ, và mình luôn có câu hỏi là: Những người mẹ làm nội trợ thì có đóng góp kinh tế như thế nào khi hầu như mọi người đều mặc định coi nội trợ là một nghề không chính thức và không có thu nhập?
Trùng hợp là, khi mình đọc cuốn sách “Lược sử kinh tế học” của Niall Kishtainy, có một chương tên là: Những người phụ nữ biến mất. Ở đó, tác giả tổng hợp các nghiên cứu về sự đóng góp của những người phụ nữ vào nền kinh tế qua các thời kỳ. Cùng mình đọc thử nha.
Amartya Sen, nhà kinh tế học người Ấn Độ đạt giải Nobel Kinh tế đã chỉ ra rằng nền kinh tế của chúng ta chứa đựng đầy những thành kiến bất lợi cho phụ nữ. Kinh tế học (KTH) vốn xem gia đình như một đơn vị duy nhất, người đứng đầu thường là đàn ông, và người này sẽ chịu trách nhiệm kiếm tiền lo cho những người phụ thuộc vào anh ta là vợ và các con. Vì vậy, KTH thường bỏ qua thành quả lao động của người phụ nữ.
Một nữ kinh tế học người Mỹ, Nancy Folbre cũng đã xuất bản cuốn sách: Who pays for the kids - Ai trả tiền nuôi bọn trẻ? (1994), bà cho rằng trong khi người phụ nữ gánh hầu hết các chi phí để nuôi dạy Lực lượng lao động trong tương lai, tuy nhiên nền kinh tế học tiêu chuẩn lại bỏ qua những chi phí đó vì họ không được trả công bằng tiền.
Giả sử người đàn ông thuê người giúp việc nữ thì công sức lao động của người phụ nữ ấy được tính vào Gross National Income (GNI) - Thu nhập quốc dân nhưng nếu cô ấy trở thành vợ của anh ta thì cô ấy trở thành một phần của gia đình và bùm người đàn ông sẽ không cần phải trả lương cho vợ mình và dưới góc nhìn của KTH, cô ấy trở thành một người vợ NHÀN RỖI, một người vợ không sản xuất.
Theo Liên Hợp Quốc, những công việc không được trả công có thể tương đương 70% giá trị sản xuất kinh tế của thế giới và phần lớn những công việc đó thường do người phụ nữ thực hiện.
Không chỉ từ góc nhìn kinh tế trên lý thuyết, mình thấy trên thực tế cũng có nhiều người chưa ghi nhận đúng công sức của những người phụ nữ dành toàn thời gian cho việc chăm sóc nhà cửa và con cái. Vẫn còn đâu đó những người chồng đi làm nghĩ là vợ chỉ ở nhà không làm gì, trong khi đó cơm canh không thể tự chín, quần áo không thể tự sạch, con cái không tự ăn no, học bài, đi ngủ, etc. Nuôi dạy lực lượng lao động tương lai cơ mà, nhiệm vụ quá là cao cả luôn ấy.
Vậy nên, mỗi người đều có một cách riêng để đóng góp vào việc xây dựng gia đình và mình mong rằng tất cả những người phụ nữ luôn được trân trọng và tri ân vì những điều họ đã hy sinh cho mái ấm của họ. Love <3
Rất cảm ơn bài viết đầy ý nghĩa của bạn nhé. Dù là một người đi làm nhưng mỗi khi xem phim rồi nghe mấy câu kiểu như: "Ở nhà suốt ngày sung sướng có phải làm gì đâu" tự nhiên thấy xót xa lắm.