Mùa hè, kỳ thi và chuyện giáo dục ở trường Tomoe
Nhiều mẩu chuyện lộn xộn mình muốn kể cho bạn nghe
Hello cả nhà,
Tuần này mình có nhiều điểm chạm (touch-point) về topic giáo dục nên trong bài viết này mình sẽ chia sẻ một vài khía cạnh nhỏ nhỏ trong chủ đề to to ấy.
Bài viết hơi free style vì nhiều chủ đề trong một bài, mong là mọi người vẫn enjoy reading bài này nhé.
Bài viết gồm 3 phần như này, nếu thích phần nào bạn có thể lướt tới phần đó đọc để tiết kiệm thời gian nha.
Phần I: Mùa hè của mình
Phần II: Mùa hè của trẻ con qua góc nhìn của người lớn
Phần III: Tư tưởng giáo dục trường Tomoe (từ sách/phim Totto-chan bên cửa sổ)
Okie, cùng nghe mình kể chuyện nhé?
Phần I: Mùa hè của mình
Mùa hè 2018
Nay mình tình cờ thấy một post trên Facebook nhắc là ngày này 6 năm trước là mùa hè năm 2018. Mình giật mình tự hỏi, ôi đã 6 năm trôi qua rồi cơ á?
Mùa hè năm 2018, 6 năm trước, mình đang ở giai đoạn thi đại học, một trong những cuộc thi quan trọng nhất của đời học sinh (bên cạnh cuộc thi vào cấp 3).
Hồi ấy, tâm trạng của mình như thế nào nhỉ?
Dù hồi ấy mình không viết nhật ký nhưng với tâm thế là một đứa chăm chỉ học tập và điểm số là một trong những thứ mình quan trọng nhất thì chắc hẳn mình-năm-18-tuổi chắc hẳn đã rất tập trung. Tập trung mọi nguồn lực cả thể chất và tinh thần cho cuộc thi to bự ấy.
Cô bé 18 tuổi ấy có stress, có sợ hãi không nhỉ? Mình không nhớ rõ lắm nhưng hình như mình bước vào kỳ thi ấy với một sự bình tĩnh.
Trước giờ mình không run lúc đi thi, dù là đi thi ở trường, ở quận hay gì đi chăng nữa. Kiểu như thế nào mình nghĩ mình cũng sẽ vượt qua mọi thứ thôi, chẳng có gì to tát quá đâu nên mình rất thoải mái.
Bố mẹ mình cũng rất thoải mái với kết quả của mình (trộm vía thường thì nó cũng khá ổn). Khi thi xong, có kết quả mọi lựa chọn trường hay ngành để đi học Đại học đều là mình quyết hết, không có sự áp đặt gì từ bố mẹ.
Mình luôn cảm ơn sự tin tưởng và chỗ dựa tinh thần mà bố mẹ dành cho mình, có lẽ sự tự tin của mình từ ấy mà có.
Năm 18 tuổi, trước mắt mình cuộc thi là một vấn đề to lớn nhất, những khía cạnh khác đều bị lu mờ đi. Mình không biết kết quả cuộc thi này sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời mình như thế nào nhưng mình biết rất rõ một điều là mình đã dành rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để chuẩn bị cho kì thi này.
Vậy nên, làm hết sức mình để không hối tiếc là điều mình bắt buộc phải làm!
Mùa hè những năm không phải thi
Ngoại trừ mùa hè 2018 (là mùa hè học hành nhiều nhất với mình) và mùa hè năm thi chuyển cấp ba năm 2015 thì những mùa hè còn lại trong lúc đi học của mình thư giãn và chill hết nấc.
Đơn giản vì mẹ mình thấy là hè thì nên nghỉ chứ không nên đi học :))
Với quan điểm của mẹ mình, mùa hè của mình không có những lớp học thêm hay học năng khiếu, chỉ có chơi thôi.
Thể loại chơi thì cũng đa dạng: đi nghỉ mát cùng cơ quan bố mình, đi về quê thăm họ hàng, đọc truyện, sách gì đấy, đi sinh hoạt hè ở xóm,... Dù đa phần là mình ở nhà đọc sách truyện hihi.
Đôi lúc, mình còn lo lắng khi thấy các bạn vẫn đi học thêm một số thầy cô nên đòi mẹ cho đi học. Lúc ấy mình vẫn tưởng là hè ai cũng nghỉ vô tư như mình :)) nhưng thấy các bạn học ầm ầm nên FOMO :))
Cuối cùng thì mình vẫn chẳng đi học thêm lớp nào trong hè. Nghỉ hè thì vui thật nhưng mà lúc quay lại trường, mình mất gốc và bị điểm kém mấy tuần đầu, nhưng mà lạ thay mẹ mình thấy nó vẫn cứ là okela, chả mắng và cũng không sốt sắng tìm lớp học hè cho con như những phụ huynh khác. Kì hen?
Phần II: Mùa hè của trẻ con qua góc nhìn của người lớn
Mới đây mình có nói chuyện với một người bạn của mình. Bạn ấy có một đứa em trai học lớp 5 đang được nghỉ hè.
Ôi hai bà chị với nhiều hoài bão cho những đứa em nên là lắm chuyện để kể lắm.
Sau khi chia sẻ về những sai lầm của tụi mình ở vai trò là người đi trước cho em út, chúng mình đều đồng ý với nhau là mình không nên áp đặt cách suy nghĩ của người lớn cho trẻ con.
Ví dụ, khi tụi mình lên kế hoạch cho một ngày nghỉ hè lý tưởng cho các em dựa trên sự cân bằng giữa rèn luyện thể chất và kiến thức (hoa mĩ thế thôi chứ là lấp đầy lịch trình bằng học các môn khác nhau), liệu tụi trẻ con có thấy đó thực sự là “nghỉ hè” không?
Với tụi nó, nghỉ hè = không phải học = chơi, đơn giản thế thôi.
Người lớn thì ngược lại, với lý do là muốn những điều tốt nhất cho con em mình, nên nghĩ công thức hợp lý ở đây là: nghỉ hè = không dành thời gian học trên trường = dành thời gian cho việc học ở những nơi không phải ở trường.
Nghe quá là boring phải không?
Nếu hồi còn bé mà tụi mình có kì nghỉ hè còn nặng hơn đi học như vậy, chắc có lẽ cụm từ nghỉ hè sẽ nghe giống ác mộng hơn.
Thế nên là nghỉ hè, mình nghĩ, vẫn nên giữ bản chất của nó là kì nghỉ vào mùa hè sau một năm học vất vả.
Đó là lúc mình nghỉ ngơi, để đầu óc thư thả, khám phá thế giới rộng lớn xung quanh ngoài trường học và có một tâm thế phấn khởi khi vào năm học mới. Thế là đủ rồi.
Phần III: Tư tưởng giáo dục trường Tomoe
Tuần này, mình có đi xem một bộ phim được chuyển thể từ một trong cuốn sách mình cực kì thích lúc nhỏ là: Totto-chan bên cửa sổ. Một bộ phim dễ thương nhưng cũng rất chạm vào cảm xúc của khán giả. Đối với mình nó như là một chiếc vé trở về tuổi thơ.
“Totto-chan bên cửa sổ” là câu chuyện kể về Totto-chan, một cô bé hiếu kì và luôn muốn khám phá thế giới, tuy nhiên vì không theo khuôn khổ, nề nếp của nhà trường nên bị “đuổi học” một vài lần. Mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn khi mà Totto-chan được nhận vào trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi.
Mình muốn kể lại cho các bạn những điểm về tư tưởng giáo dục của trường Tomoe, của thầy hiệu trưởng Kobayashi mà mình rất tâm đắc.
Mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt.
Các em có tiềm năng phát triển khác nhau vậy nên không thể sử dụng phương pháp giáo dục giống nhau và hy vọng đầu ra được tiêu chuẩn hóa.
Ở Tomoe, “ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô".
Một lớp ở trường Tomoe chỉ có khoảng dưới 10 em. Trong một ngày học, các em được tự do sắp xếp các môn học theo ý thích của mình. Nếu bạn nhìn vào một tiết học, chắc chắn sẽ rất bất ngờ khi thấy em thì đang cắm cúi đọc sách, làm toán, em thì học hát, chơi nhạc cụ, em thì vẽ, em thì đang làm thí nghiệm gì đó.
Tuy vậy, các em lại rất tập trung, và cô giáo sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn/ cố vấn chứ không phải đưa ra các chỉ dẫn chi tiết rồi các em răm rắp làm theo. Thoạt nhìn, tưởng chừng lớp học ấy sẽ hỗn loạn lắm, nhưng các em thực sự tập trung cao độ vào những điều mà các em thật-sự-yêu-thích.
Theo thầy Kobayashi, các em cần khám phá thế giới nhiều hơn là những kiến thức được gói gọn trong sách vở
Ở trưởng Tomoe, các hoạt động khám phá thiên nhiên, tăng cường thể lực luôn được chú trọng.
Các em có những tiết học ngoại khóa, đi khám phá ngôi đền gần trường, đi vào rừng, đi trải nghiệm cùng các bác nông dân. Chính những thứ bên ngoài khuôn viên trường học là những thứ giúp các em mở mang thêm ngoài những giờ lên lớp.
Vào bữa trưa, các em được yêu cầu mang tới bữa trưa đến từ “biển” và “đất”, để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các em. Mỗi bữa ăn, cả trường sẽ được dịp trầm trồ trước các đặc sản từ “biển” và “đất” được nấu với tình thương của những bà mẹ. Nếu ai thiếu đặc sản thì nhà trường sẽ có đồ ăn được nấu sẵn để phục vụ các em.
Mình đặc biệt ấn tượng cảnh thầy hiệu trưởng chơi piano và dạy các em về âm nhạc và chuyển động cơ thể.
Thầy sẽ chơi các nốt chậm, rồi tăng tiết tấu và cả trường sẽ cùng nhau đi vòng quanh theo nhịp điệu thầy chơi. Qua đó, các em hiểu các nốt nhạc không chỉ là những hình thù kỳ lạ trên bản nhạc mà các em sẽ cảm nhận nó qua các giác quan của mình. Một cách tiếp cận rất hay!
Ở Tomoe, trẻ em không bị cấm làm điều này điều kia, các em hoàn toàn có thể làm những điều các em muốn nhưng các em được dạy để có tinh thần trách nhiệm cho hành động của mình.
Có một hôm Totto-chan bị làm rơi chiếc ví xuống bồn cầu.
Vì em rất thích chiếc ví ấy nên em tìm mọi cách để tìm lại nó. Em lấy cái sào dài, múc mọi thứ dưới hố phân lên để tìm. Thầy hiệu trưởng có đi qua và thấy việc em đang làm, thầy hỏi thăm một chút rồi cũng không mắng mỏ gì cả. Thầy chỉ bảo là “Làm xong em nhớ đổ lại tất cả nhé” rồi đi dạo tiếp.
Và sau khi hì hục mãi không thấy chiếc ví, Totto thấy mình đã làm hết sức rồi, và em đã dọn hố phân sạch sẽ, gọn gàng như lời thầy hiệu trưởng nói. Mình nghĩ đây thực sự là hành động thể hiện thành công của việc dạy các em nhỏ nên người.
Dạy dỗ trẻ bằng tình thương yêu và sự nhiệt huyết
Ngay từ buổi đầu tiên gặp mặt để xin cho Totto-chan vào trường Tomoe, Totto và thầy Kobayashi đã nói chuyện với nhau vài tiếng đồng hồ. Thầy hiệu trưởng ngồi lắng nghe những câu chuyện mà Totto kể với một sự chú tâm và tò mò. Cuối cuộc trò chuyện, thầy bảo là “em thật sự là một em bé ngoan” - điều mà Totto chưa bao giờ được nghe trước đây vì lúc nào em cũng bị coi là một kẻ phiền toái.
Là một thầy hiệu trưởng, mình nghĩ thầy rất bận nhưng qua việc thầy dành thời gian lắng nghe Totto như vậy có thể thấy thầy có một tình yêu thương vô bờ bến cho những em nhỏ của mình.
Đoạn kết phim là một cảnh đau lòng khi chiến tranh thứ 2 nổ ra, trường Tomoe bị ném bom cháy rụi. Nhìn ngôi trường mất bao công xây dựng của mình bị ngọn lửa thiêu đốt, dù đau lòng nhưng đôi mắt thầy Kobayashi vẫn sáng rực và thầy quay sang hỏi cô giáo trong trường rằng: “Chúng ta sẽ xây dựng trường Tomoe ở đâu tiếp đây?”
Ngôi trường dù đã đổ nát nhưng tâm huyết của thầy cho sự nghiệp giáo dục, cho việc nuôi dưỡng những mầm non bé nhỏ để chúng thực hiện được ước mơ vẫn ở đó, thậm chí còn hừng hực hơn ngọn lửa của bom đạn.
Mình rất khâm phục ý chí và sự nhiệt huyết đó của thầy Kobayashi.
------
Những mẩu chuyện lộn xộn của mình đến đây là hết rồi. Mong là qua bài viết này, nhiều bạn biết tới và có thể có cơ hội tìm đọc Totto-chan. À nếu bạn có kỉ niệm gì thú vị về mùa hè hay kì thi thì kể cho mình nghe với nha. Love.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
ơ chị k thấy lộn xộn chút nào, nó có mạch nối cả 3 phần với nhau ấy :3
bài này làm c nghĩ tới câu "chơi cũng là thể thao, mình quên cách ngồi cách đứng chứ đừng quên cách chơi" của Thắng =)))