Không phải Bali, Yogyakarta là thành phố bạn nên khám phá khi tới Indonesia!
Khám phá Cố đô Yogyakarta của Quốc đảo Indonesia cùng mình nhé
Khi lần đầu tiên đặt chân đến một đất nước mới, sẽ thật tuyệt nếu bạn có được một người bạn local làm travel buddy. Bạn ấy sẽ tự hào giới thiệu với bạn những thứ về vùng đất mà bạn ấy đã gắn bó từ khi sinh ra, những insight mà chỉ local mới có, được trải nghiệm nhịp sống thường ngày của vùng đất đó. Một trải nghiệm chân thực và đầy cảm xúc!
Chuyến đi Indonesia vừa rồi của mình, may mắn được như vậy. Tụi mình được chị Marisha, đồng nghiệp người Indonesia, mời về chơi Yogyakarta, quê hương của chị ấy.
Yogyakarta (Jogja) là một thành phố của Indonesia ít được biết đến khi so với Bali - hòn đảo xinh đẹp hay thủ đô Jakarta.
Tuy vậy, sau khi tìm hiểu tụi mình mới biết Yogyakarta lại là cố đô của Indo, được mệnh danh là vùng đất linh hồn của người Java, nơi bảo vệ các phong tục và các di tích lịch sử văn hóa lâu đời của Indo.
Cho đến nay, Jogja là thành phố hoàng gia duy nhất còn được cai trị bởi chế độ quân chủ, nghĩa là ở Jogja vẫn có vua trị vì luôn đó các bạn.
Vì từ Việt Nam tụi mình bay sang Jakarta trước, rồi mới tới Jogja nên có thể cảm nhận rõ nét được nét cổ kính, xưa cũ và sự bình yên của cố đô so với trung tâm thành phố như Jakarta.
Nhà cửa ở đây đều được xây thấp, khoảng 1-2 tầng, vì họ phải đảm bảo nhà của vua là cao nhất trong khu vực. Mọi kiến trúc, cách trang trí đều mang đậm phong cách truyền thống của Indo.
Nhờ có chị gái local siêu tận tâm, tụi mình đã có lịch trình 3 ngày 2 đêm ăn-chơi cực kì thú vị ở thành phố cổ kính này. Mình share lại ở đây hi vọng là nếu có dịp tới thăm Jogja thì bạn có thêm ý tưởng khám phá thành phố này như thế nào nha.
#1 Borobudur - Kì quan Phật giáo lớn nhất thế giới
Ngôi đền Phật giáo Borobudur là một trong những kì quan nổi tiếng của Châu Á, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, trong tiếng Indo có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao”.
Đây là ngôi đền được xây dựng từ thế kỉ thứ 9, khi mà đạo Phật còn rất thịnh hành ở Indo, nhưng sau đó do đạo Hồi trở thành tôn giáo chính nên nơi này bị bỏ hoang trong gần 10 thế kỉ. Phải đến những năm 1970, sau khi chính phủ Indonesia có được sự trợ giúp của UNESCO cho việc khôi phục và trùng tu ngôi đền này thì Borobudur mới bắt đầu đón khách du lịch quay trở lại.
Trước khi đi mình có nhìn hình ảnh trước nhưng vẫn cảm thấy choáng ngợp trước sự kì vĩ của công trình này.
Không hổ danh là di tích Phật giáo lớn nhất thế giới, Boro sừng sững trên đỉnh đồi giữa vùng đồng bằng, được núi rừng bao bọc xung quanh. Boro có hình dạng một bát ngát hoa sen, gồm 9 tầng, mỗi tầng có ý nghĩa riêng biệt trong quá trình tu luyện của Phật tử.
Được xây dựng theo kiến trúc bình đồ hình vuông (Mạn-đà-la, sơ đồ về khái niệm vũ trụ của Phật giáo Tây tạng), từ dưới chân đồi phải trèo 15m mới lên tới nền đền (12 tầng to, nhỏ, vuông, tròn xen kẽ nhau), và cả Boro là một khối cao tới 42m, diện tích rộng hơn 8.000m2 và được xếp thành từ 300 nghìn viên đá núi lửa.
Trên các bức tường ở các tầng có những bức phù điêu về cuộc sống của chúng sinh (tầng Dục giới), các bậc thánh nhân và thiên nhân ( tầng Sắc giới) và sự tích cuộc đời Đức Phật ở tầng cao nhất - Vô sắc giới. Trên mái tròn của ngôi đền cũng có 72 bức tượng Phật trong các phù đồ - hình tháp chuông.
Sẽ mất khoảng 1 tiếng đi từ trung tâm Jogja tới Boro (~42km), và bạn sẽ cần mua vé tham quan khi vào ngôi đền này. Vé của người nước ngoài mình thấy cao hơn nhiều so với dân địa phương, tầm gần 1 triệu VNĐ, nhưng nghĩ lại với mức kinh phí trùng tu 50 triệu USD thì mình thấy cũng hợp lý. Vì đền khá là lớn và cần đi lại ngoài trời nhiều, mình suggest các bạn đi vào buổi sáng hoặc buổi chiều tầm 3 giờ cho mát.
Một điểm thú vị là để bảo tồn Boro, bạn sẽ không được đi giày của mình lên đền mà sẽ phải thay bằng một đôi dép cói được khu di tích phát, bao gồm trong giá vé. Họ cũng chia khách du lịch thành từng đoàn và có hướng dẫn viên nói tiếng Anh đi cùng nhưng vì toàn mấy từ ngữ lạ lùng nên tụi mình nghe cũng không hiểu lắm :)) lúc về nhà đọc thêm mới hiểu rõ lịch sử hùng vĩ của kì quan này.
À nếu đến Boro chắc chắn bạn sẽ đi qua hàng lưu niệm trước khi đi ra tới cổng. Họ bán cũng nhiều đồ hay ho lắm, kiểu như mặt nạ hoa văn Indo, tranh trúc rồi mấy cái tháp Boro thu nhỏ,…
Tip của mình là nếu đi vào buổi chiều, meaning bạn là đoàn khách cuối thì bạn có thể mặc cả thoải mái vì họ rất cần khách. Ví dụ item mà tầm 80 Rp thì bạn cứ bảo tầm 40 Rp cũng được, giá cả cũng biến động lắm nên mua mấy món đồ về kỉ niệm cũng vui.
#2 Hóa thân thành người phụ nữ Indo với Kebaya
Một trải nghiệm rất local mà chị Marisha đã thiết kế cho tụi mình là hóa thân thành một người phụ nữ Indonesia trong trang phục truyền thống Kebaya.
Ở Jogja có bảo tàng lịch sử Sonobudoyo và họ có kết hợp dịch vụ thuê Kebaya và chụp ảnh trong khuôn viên luôn vì kiến trúc cũng cổ kính. Quá là hay nên tụi mình đăng kí luôn.
Kebaya có nguồn gốc từ Indo nhưng được mặc bởi phụ nữ ở cả Malay, Myanmar, Thái, Sing và cả Phillipines nữa. Kebaya gồm một chiếc áo ôm sát cơ thể, mặc cùng với váy kain, được trang trí bằng thổ cẩm, hình thuê hoặc hoa văn Batik - đặc trưng vùng Jogja.
Mặc bộ Kebaya lên tự thấy mình như xuyên không làm phụ nữ Indo luôn ấy. Ở Jogja cũng có nhiều gia đình tới mặc đồ truyền thống để chụp ảnh cưới, ảnh kỉ niệm gia đình. Có cả version cho nam mà mình không biết tên.
Giá dịch vụ thuê trang phục và có photographer chụp ảnh cho bạn trong vòng 1 giờ và gửi lại toàn bộ ảnh là tầm ~ 200k VND/ người. Sẽ cần book trước Studio, hẹn giờ để họ chuẩn bị trang phục và xếp thợ cho bạn nha. Highly recommend các bạn nữ đi chụp hình xinh nha.
#3 Tự vẽ tranh theo phong cách Batik
Mỗi quốc gia, hay mỗi dân tộc sẽ thường có những dấu ấn, hoa văn, họa tiết đặc trưng riêng được thể hiện trên trang phục họ mặc thường ngày và Indonesia cũng không phải là ngoại lệ.
Batik là một kỹ thuật nhuộm vải truyền thống của Indo, sử dụng sáp ong nóng tạo ra vô vàn các họa tiết trên vải được sử dụng trong trang phục lễ nghi truyền thống và cả các vật dụng thường ngày. Batik cũng là di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2009.
Trước khi đến Indo, tụi mình cũng tìm hiểu trước về Batik và thấy rất thú vị, may mắn là cố đô Jogja lại là một trong những cái nôi của Batik nên chị Marisha đã đăng kí cho tụi mình một workshop vẽ tranh batik tại xưởng Batik Seno. Bạn có thể book workshop ở IG: @batikseno_jogja.
Trong workshop diễn ra trong vòng 2-3 tiếng này, bạn sẽ được trải nghiệm đầy đủ các công đoạn để làm ra một bức tranh batik.
Bước đầu tiên là chọn bức tranh bạn muốn vẽ từ những hình được bên xưởng chuẩn bị trước. Những hình các nhiều chi tiết thì sẽ càng khó nhưng lúc ra thành phẩm thì cũng xứng đáng nỗ lực nha.
Sau đó có các chị ở xưởng hướng dẫn mình vẽ batik như thế nào.
Đơn giản thì có 3 bước: mình sẽ dùng sáp ong vẽ lên vải thành bức tranh, sau đó nhuộm màu và đun sôi để loại bỏ sáp ong.
Sáp ong được đun chảy trong một cái nồi bé bé, rất nóng để giữ sáp ở dạng lỏng, như một dạng mực để bạn vẽ vậy. Mình sẽ dùng dụng cụ tên là “canting”, như một chiếc bút nhưng được thiết kế để đựng được mực sáp ong và đi các nét trên bức tranh.
Bước vẽ này cũng khá là khó khăn vì bạn sẽ phải multi-tasking: giải quyết vấn đề sáp ong dễ bị tắc ở ngòi bút, sáp ong rớt xuống thành giọt, hay để giữ cho nét đều không bị quá nhạt quá đậm vân vân mây mây. Nói chung là tụi mình cũng ngồi còng lưng hơn một tiếng để vẽ được một bức tranh sơ bộ có đường có nét.
Lúc xong mình hơi thất vọng vì mình vẽ xấu quá, nhưng mà may sao có khâu hậu kì nữa. Ở xưởng có những master batik sẽ phù phép bức tranh nguệch ngoạc của các bạn thành những tác phẩm đẹp đẽ bằng cách thêm bớt họa tiết các thứ. Những newbie như mình thực sự cần bước này hihi.
Trong khi 2 đứa người Việt Nam đánh vật với canting và mực sáp ong thì những người bạn Indo của mình vẽ rất nhanh, hỏi ra thì mọi người đều được học vẽ batik từ hồi ở trường, hay ha?
Sau khi xong bước họa nét thì tới bước nhuộm màu.
Lần đầu tiên mình vẽ trên vải và được trực tiếp nhúng vải vào các thau màu được pha sẵn. Màu thì có các màu chủ đạo như vàng, xanh lá, xanh dương, tím, không quá đa dạng nhưng mình thấy cũng phù hợp với những bức vẽ 25x25 cm đơn giản.
Bình thường thì mình sẽ nhúng cả bức tranh vào một thau màu, nhưng bạn có thể thỏa sức sáng tạo với việc kết hợp 2 màu khác nhau trên dưới cho bức tranh, hoặc trái phải, hoặc gấp làm tư để có màu khác nhau giữa nền và vùng trung tâm. Mình thấy mấy bạn Indo sáng tạo lắm, trong khi mình thì sẽ theo cách làm truyền thống.
Tiếp tới là bước loại bỏ sáp ong, để lại các đường nét màu trắng trên bức tranh của bạn. Ở đây thì có nhiều các chậu có các chất khác nhau mình cũng chẳng rành lắm. Nhưng bạn sẽ được thả bức tranh vào một nồi nước sôi sau đó bỏ vào thùng nước lạnh, khoảng chừng 2-3 lượt là xong.
Kết quả là nhóm 5 người của mình có 5 bức tranh độc lạ, mỗi người một hình một màu khác nhau.
Mình đã có được một trải nghiệm quý giá thử sức với nghệ thuật nhuộm vải lâu đời nhất của Indo và còn có tác phẩm tự tay mình làm mang về nữa. Ở xưởng còn có trưng bày tác phẩm của các họa sĩ vẽ batik, vẽ rất đẹp, màu sắc cũng rực rỡ, mình có mua một bức tranh về treo ở nhà.
Anh chủ xưởng còn khoe với mình là áo anh mặc là anh tự vẽ batik luôn :)) Rất recommend mọi người dành thời gian cho hoạt động này ở Jogja nha.
Batik được dùng phổ biến trong mọi hoạt động đời sống của người Indo và sau đây là một vài hoa văn batik đặc trưng mình muốn giới thiệu với các bạn.
1. Parang: Hoa văn xuất phát từ “Pereng” có nghĩa là độ dốc, được tạo thành từ các đường dốc chéo từ hình chữ S. Hình dáng chữ S cũng tượng trưng cho con sóng biển, thể hiện sự trường tồn và sức mạnh.
2. Kawung: Hoa văn xuất phát từ quả Kawung, xếp đối xứng. Hoa văn này cũng nhìn giống bông hoa sen nở thể hiện cho sự quyền lực, sắc đẹp và sự tinh khiết.
3. Mega Mendung: Mega là ánh sáng mặt trời, Mendung là đám mây che mặt trời, hoa văn này thể hiện sự điềm tĩnh trong mọi tình huống.
Nếu bạn định mua sắm quần áo hay đồ có họa tiết Batik truyền thống, khả năng cao là bạn sẽ gặp những hoa văn này đấy.
#4 Review địa điểm ăn uống, mua sắm, khách sạn và phương tiện di chuyển
Phần cuối này mình sẽ review các hoạt động ăn uống, mua sắm, nơi ở và phương tiện di chuyển ở Jogja cho các bạn nha.
Về giá cả, phải nói Yogyakarta cực kì rẻ luôn, so với thủ đô Jakarta hay so với Việt Nam cũng vậy. Nên đến đây cảm thấy mình giàu và tự tin tiêu tiền hẳn luôn :))
Khách sạn: Tụi mình thuê khách sạn Bladok ở khu Malioboro là nơi tập trung nhiều khách du lịch của Jogja, giá có cao hơn mấy khu khác, tầm 400k VNĐ/đêm. Khách sạn ở đây thường thấp thấp 1-2 tầng nên không có thang máy. Và vì ở cố đô nên mọi thứ theo style hoài niệm, xưa cũ lắm.
Một điểm nữa là ở Indo cực kì ít ổ cắm, và còn là ổ cắm tròn nữa, nên hãy nhớ mang adaptor theo nha!
À và vì là một quốc gia theo đạo Hồi nên trong khách sạn ở Indo sẽ có một mũi tên tên là Kiblat, chỉ hướng cho người Hồi giáo cầu nguyện, hướng về Thánh địa Mecca.
Di chuyển: Grab muôn năm, đi lại ở Jogja các bạn cứ book trên Grab nha, và đừng shock khi giá một cuốc GrabBike chỉ tầm 15k VND cho hơn 3km :)) Mình cũng bất ngờ lắm luôn nhưng chắc cũng phù hợp với mức sống ở đây.
Ở Jogja thì Grab ngoài cạnh tranh với Gojek, taxi truyền thống thì còn phải cạnh tranh với xe ngựa và xích lô xe máy.
Khách du lịch thường lựa chọn đi xe ngựa để đi lại quanh khu Malioboro. Những chú ngựa này mình nghĩ cũng phải được huấn luyện kĩ càng để được đi ra đường hành nghề kiếm cơm. Nằm trong khách sạn bạn sẽ nghe thấy tiếng ngựa đi lọc cọc ngoài đường, cũng hay ho phết!
Ăn uống:
Đồ ăn Indo lúc trước khi sang thì mấy anh chị review cho mình là cũng không dễ ăn lắm nhưng chả hiểu sao mình thấy ăn cũng khá okela chắc chị Marisha toàn chọn quán ngon cho mình hehe.
The house of Raminten: Một quán ăn truyền thống lâu đời ở Jogja bạn nên ghé thử.
Ở đây có đầy đủ các món ăn truyền thống của Indo với giá cả phải chăng, phục vụ từ sáng tới tối, không gian rất chill.
Ở Jogja có món mít non hầm tên là Gudeg, bạn có thể thử, vị cũng là lạ. Tempe là món đậu nành lên men, rất phổ biến ở Indo, bạn có thể ăn Tempe chiên hoặc snack tempe vị cũng ổn nha. Soto thì là món canh gà hầm, được đựng trong vỏ dừa nên gọi là Soto batok. Chị mình ăn món mì xào: Bakmi Jawa Goreng cũng khen ngon bạn cũng có thể thử.
Một phần đồ ăn ở đây cực kì cực kì to luôn, cốc Es Dawet mình gọi (hơi giống trà sữa mà kết hợp với chè, có nước cốt dừa và topping giòn giòn) to bằng 2 cốc bia hơi ở Việt Nam luôn á. Uống xong là khỏi ăn cơm :))
Gợi ý là các bạn hãy dùng ChatGPT để học trước tên một vài món ăn bên Indo và hiểu nghĩa của nó trước khi sang để gọi món tự tin hơn nhé.
List lại cho mọi người một vài quán ăn oke mà tụi mình đã thử ở Indo nói chung nha:
1. Bebek Tepi Sawah (Jakarta): Món vịt đặc sản của Bali
2. Kesuma (Yogyakarta): Quán ăn phục vụ đồ ăn truyền thống ở Indo, chuyên serve khách nước ngoài nên giá hơi cao một chút mà đồ ăn trang trí đẹp, rất ngon và được thưởng thức trong một ngôi nhà cổ của Jogja.
3. Srengengewetan (Banyuwangi): Quán có menu siêu đẹp, mình được chị host homestay gợi ý cho, có đầy đủ đặc sản Banyuwangi - Cực đông đảo Java, ăn rất ổn áp.
Mua sắm:
Ở trung tâm Malioboro bạn sẽ tha hồ mua sắm trên con đường tấp nập khách du lịch và cửa hàng lưu niệm. Giữa muôn vàn lựa chọn như vậy thì nhờ có chị gái local, tụi mình chọn được một chỗ thiên đường mua sắm là Hanzahm Batik.
Một điều cực kì quan trọng trước khi đến đây là bạn cần ăn no (vì khi đói thì sẽ mua rất nhiều đồ không cần thiết), biết rõ budget và những item cần mua là gì, dành thời gian dư dả tầm 2-3 tiếng mua cho đã và mang theo thẻ để quẹt. Vậy là bạn đã sẵn sàng cho một trải nghiệm mua sắm ở thiên đường này rồi.
Ở Hanzahm có 2 tầng, tầng 1 là quần áo và đồ ăn, tầng 2 là mấy đồ trang trí, lưu niệm các thứ.
Lúc mới vào khu quần áo, mình bị ngợp vì quá là nhiều mẫu mã, chủng loại, hoa văn thì đa dạng, cái nào trông cũng hay hay và giá cũng hợp lý. Mình thấy không chỉ khách du lịch vùng khác tới mà cả người địa phương cũng ghé mua đồ nữa.
Các bạn có thể ghé Hanzahm để mua đồ tặng gia đình, hoặc mua đồ mặc hàng ngày cũng được vì họ có nhiều mẫu cũng trẻ trung. Nhân viên ở đây rất nice, mình thấy cái váy hay mà không biết mặc họ sẽ chỉ cho bạn mặc như nào. Bạn cũng sẽ được xem người ta vẽ batik trực tiếp ở trong cửa hàng luôn, có mấy nghệ nhân ngồi vẽ chuyên nghiệp lắm.
Lúc thanh toán, khỏi phải nói ai cũng tay xách nách mang, bill thanh toán dài ngoằng như sớ và mình cũng thế :)) Hi vọng nếu có dịp ghé Hanzahm bạn cũng sẽ lựa được nhiều đồ ưng ý!
Kết lại
Lần đầu đi Indo, có bạn người local làm tourguide, được trải nghiệm những dấu ấn văn hóa của vùng cố đô thực sự là điều may mắn của chúng mình.
Yogyakarta chắc chắn sẽ là nơi mà mình sẽ giới thiệu với mọi người khi tới với quốc đảo Indo.
Mong là các bạn cũng sẽ có được trải nghiệm tuyệt vời ở Jogja như tụi mình nhé!
cái preview text mới nên là title Hà ạ =))
ôi quá chi tiết tôi muốn đi quáaaa
mạnh dạn đoán tác phẩm Hà vẽ là 2 con cá biển ngay đầu tiên =)))))
T.T