Hiiiii
Một tuần nữa lại trôi qua, mình hy vọng các bạn đọc của Growing Mindfully đã có một tuần zui zẻ và năng lượng! Để xả hơi sau một tuần làm việc, các bạn thường làm gì thế, kể mình nghe với :)))
Bản thân mình, trước khi dành thời gian cho một hoạt động gì, đều cân nhắc liệu rằng đây có phải lựa chọn tốt hơn các cơ hội còn lại của mình hay không.
Việc lựa chọn “không làm gì” đối với mình là một sự lãng phí thời gian - một tài nguyên khan hiếm.
Góc nhìn này đôi khi là con dao hai lưỡi vì nó không cho phép mình thực sự nghỉ ngơi, để đầu óc thư giãn vì luôn bận tính toán các chi phí cơ hội khi mình đang lười.
Trùng hợp là tới khi đọc chương “Kinh tế học vạn vật” của cuốn “Lược sử kinh tế học”, mình mới hiểu lý do đằng sau những phép tính toán không ngừng trong đầu mình là gì.
Trong sách, có một định nghĩa là: con người kinh tế lý trí là một người quyết định phải làm gì bằng cách cân nhắc chi phí cận biên và lợi ích cận biên. Nôm na là làm những gì có lợi, chứ không có hại, giữa những cái có lợi thì chọn cái có lợi ích to nhất, kiểu luôn maximize the gain trong khuôn khổ số tiền bạn có và chi phí phải bỏ ra và trade-off, sự đánh đổi, diễn ra mọi lúc mọi nơi.
Quá trình mình liên tục đưa ra các đánh giá giữa các options về cách tiêu thời gian thể hiện mình là một con người kinh tế lý trí. Tuy nhiên đến khâu đưa ra quyết định, rất có thể yếu tố cảm xúc lại chi phối, khiến mình trở nên phi lý trí với những quyết định rất bản năng. Bạn có thể tìm đọc cuốn “Phi Lý Trí” của Dan Ariely để thấy loài người chúng ta predictably irrational như thế nào nhé, mình highly recommend!
Nhớ lại hồi xưa khi mình đi học Kinh tế, mình từng nghĩ các nhà kinh tế học sẽ nghiên cứu về các ngành công nghiệp, giá cả và lợi nhuận của ngân hàng, các doanh nghiệp,... nghe hơi khô khan và vĩ mô.
Nhưng càng học và đọc nhiều, mình nhận ra vốn dĩ góc nhìn kinh tế hiện diện ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Và thông qua việc sử dụng lăng kính kinh tế, chúng ta có thể tìm hiểu cách vận hành của hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Gary Becker là một nhà kinh tế học người Hoa Kỳ đoạt giải Nobel Kinh tế, ông là tiến sĩ Đại học Chicago. Trong chương “Kinh tế học vạn vật” tác giả Niall Kishtainy chủ yếu trích dẫn những nghiên cứu của Becker.
Gary Becker nêu ví dụ rằng một người chủ cửa hàng tiệm bánh không chỉ bận rộn tính toán chi phí và lợi ích ở cửa hàng mà anh ta còn tính toán không ngừng nghỉ khi về nhà. Giả dụ anh ta bảo đứa con là đừng xem Tivi nữa, hãy làm bài tập thêm vì anh ta tin rằng những đứa trẻ chăm chỉ học tập sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi chúng trưởng thành và sẽ có thể chăm sóc được vợ chồng anh.
Những phép tính về chi phí và lợi ích đơn giản là không dừng lại ở phạm vi của chủ thể kinh tế, ngược lại chúng hiện diện ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta.
Một trong những bài giảng của Gary Becker tại Đại học Chicago có tên là “Nhìn cuộc sống bằng con mắt kinh tế - The Economic Way of Looking at Life”, ở đây ông dùng phương pháp tiếp cận của kinh tế học để giải thích những vấn đề xã hội vượt ra ngoài phạm vi thường được xem xét bởi các nhà kinh tế.
Hành vi vi phạm pháp luật được giải thích một cách hợp lý qua lăng kính kinh tế học.
Họ có những hành vi phạm tội đơn giản vì khi họ thực hiện các việc đó thì lợi ích cận biên của họ lớn hơn chi phí cơ hội. Và để phòng ngừa tội phạm, người ta có thể làm tăng chi phí phải trả của những việc phi pháp lên.
Một ví dụ điển hình là chuyện uống rượu bia rồi lái xe. Nếu không có công an đứng kiểm tra nồng độ cồn, bạn có thể tự lái xe, thay vì gọi xe, tiết kiệm được 100-200k. Tuy nhiên khi lực lượng an ninh kiểm tra gắt quá, nếu bị bắt bạn có thể bị phạt hàng triệu đồng kèm theo bị tước Giấy phép lái xe, cái giá phải trả quá lớn, vậy thì book Grab đi nhậu thui chứ còn tính toán gì nữa :))
Các khía cạnh khác của cuộc sống như hôn nhân, gia đình, nuôi dạy con cái cũng được Becker cho rằng có các nguyên tắc kinh tế hoạt động, chi phối các quyết định và hành động của con người.
Khi cân nhắc mình có nên làm hoạt động A trong khoảng thời gian B hay không, chúng ta thường so sánh mức “Thâm dụng thời gian” hay “chi phí cơ hội”: Một giờ bạn xem Netflix sẽ mang lại cho bạn lợi ích gì so với những lựa chọn khác bạn có thể làm với thời gian đó (như tập thể dục, học thêm ngoại ngữ, vv).
Nếu công việc dọn dẹp nhà cửa có mức thâm dụng thời gian lớn, một người có mức lương cao có thể chọn cách thuê người khác làm việc nhà với mức chi phí cần bỏ ra thấp hơn chi phí họ có thể kiếm được với cùng khoảng thời gian đó.
Quyết định có con cũng có thể giải thích qua khái niệm độ thâm dụng thời gian.
Becker cho rằng trẻ con là một món hàng hóa thâm dụng thời gian vì cần nhiều thời gian và công sức để chăm sóc cho chúng :))
Bạn sẽ phải bỏ ra hàng ngàn giờ để nuôi nấng đứa bé, chưa kể chi phí đi kèm cho việc chăm sóc chúng, đồng thời bạn từ bỏ tiền lương cho những giờ phút hy sinh cho con. Đặc biệt ở thế kỉ 20, khi nhiều phụ nữ đi làm, chi phí việc có con tăng lên, kết quả phụ nữ bắt đầu ít sinh con hơn.
Hiện tại xu hướng giới trẻ sinh con muộn ngày càng phổ biến, là một vấn đề nóng bỏng của bài toán dân số, mà nguyên nhân chính cũng một phần do áp lực từ sự leo thang chóng mặt của các loại chi phí.
Bên cạnh đó, Becker cũng đã giới thiệu concept: “Human Capital - Vốn con người” từ năm 1993.
Vốn con người là một khái niệm kinh tế chỉ tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, sức khỏe và các đặc điểm cá nhân khác của con người, được tích lũy qua quá trình học tập, đào tạo và làm việc. Nói cách khác, vốn con người là tài sản vô hình của một cá nhân, góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất.
Vốn con người cũng được so sánh với các loại vốn khác như vốn vật chất (máy móc, thiết bị, nhà xưởng), hay vốn tài chính như là một trong những loại input cho quá trình tạo ra giá trị thặng dư từ sản xuất.
Một trong những cách để đầu tư vào vốn con người đó là nâng cao trình độ, kỹ năng, sức khỏe của con người.
Giờ đây, việc mọi người muốn đi học thêm các bằng cấp chứng chỉ, hoặc gia đình cố gắng tạo điều kiện để con cái có tấm bằng đại học, hay thạc sĩ là một việc hiển nhiên, với mục đích hy vọng chúng có thể giúp nâng cao triển vọng công việc của chúng ta.
Điều đó thể hiện mọi người đã accept khái niệm “Vốn con người” như một lẽ tất nhiên, nhưng đó là một quãng đường dài kể từ khi Gary Becker mới giới thiệu khái niệm này, bởi lẽ hồi đó người ta còn nghĩ đây là một trò đùa của Becker.
Đúng như Alfred Marshall (được coi là người sáng lập kinh tế học) đã từng mô tả “kinh tế học không phải là một tập hợp sự thật khách quan, mà là một động cơ để khám phá ra sự thật khách quan”, mình thấy rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống có thể được giải thích qua lăng kính bài toán kinh tế.
Điều quan trọng là chúng ta cần giữ được ngọn lửa của sự tò mò để chịu khó đi tìm tòi lời giải thích cho những thắc mắc trong cuộc sống này.
Hy vọng bạn và mình tìm được nhiều câu trả lời hơn nữa trên hành trình trưởng thành nhé!
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay 2 của Writing On The Net Alumni. #wotn #vietdeuvahay