Khi tri thức hóa thành tro bụi: Bi kịch của thư viện Alexandria
Từ ánh sáng rực rỡ đến bóng tối vĩnh hằng của trung tâm tri thức đầu tiên của nhân loại
Xin chào bạn đọc của Growing Mindfully <3
Gần đây, số lượng subscriber của mình tăng lên đột biến và đã cán mốc hơn 200 rùi yayy 🎉
Nhân bài viết này, mình muốn gửi lời chào thân ái chính thức đầu tiên tới các bạn cùng lời cảm ơn chân thành vì các bạn đã ghé thăm Growing Mindfully và đón nhận những bài viết của mình. Mong là chúng ta sẽ có nhiều sự vui vẻ với nhau ở Growing Mindfully nhé 💚
Trong lúc đợi mình nhào nặn những bài viết mới, mời bạn thong thả đi dạo trong nhà kho để đọc những bài viết trước đó của mình nhé 💚
Update một chút, đợt này mình ra Hà Nội thời tiết thích mê luôn, mát mẻ và có nắng thu, trừ điểm là chất lượng không khí hơi bị tệ thì mọi thứ đều perfect :))
Trời thu trữ tình như này thì quá là hợp để đọc sách phải không nào? Mình pick random vài cuốn sách trên tủ sách và trùng hợp là 3 cuốn này đều nhắc đến cái tên Alexandria.
Vậy nên trong bài viết tuần này, mình sẽ kể các bạn nghe về Thư viện của Thành phố Alexandria: nơi con người lần đầu tiên thu thập một cách nghiêm túc và có hệ thống kiến thức về thế giới, cái nôi nuôi dưỡng tinh thần của các nhà toán học Hy Lạp khi bản sắc Hy Lạp dần phai nhạt khi Đế chế La Mã thống trị dải đất Địa Trung Hải.
Lịch sử của Alexandria
Alexandria là một thành phố ở miền Bắc Ai Cập.
Tương truyền rằng trong các cuộc chinh phạt của mình, Alexander Đại Đế đã chiếm Ai Cập vào cuối năm 332 trước Công Nguyên. Ông chỉ lưu lại nơi đây vài tháng để tuyên xưng làm pharaoh ở Memphis và quyết định thành lập một thành phố mới bên bờ Địa Trung Hải. Tiếc là, Alexander không bao giờ nhìn thấy thành phố mang tên mình phát triển rực rỡ như thế nào.
Sau khi ông qua đời vào 8 năm sau tại Babylon, vương quốc của ông bị chia năm xẻ bảy bởi các tướng lĩnh dưới quyền và Ai Cập về tay Ptolemaios I Soter, người này đã lấy Alexandria làm kinh đô cho vương quốc Ptolemaios và dưới triều đại Lagides, Alexandria trở thành hải cảng lớn nhất địa cầu.
Với tầm vóc lớn lao, Alexandria không thiếu những điểm nhấn khiến người ta phải trầm trồ.
Quy mô thành phố tráng lệ, nơi đây là trung tâm thương mại, văn hóa, và giáo dục của thế giới. Những đại lộ rộng lớn, ngôi mộ hoành tráng của Alexander, ngọn hải đăng Pharos là công trình vô cùng đặc biệt và đây cũng là kỳ quan thứ bảy, kỳ quan cuối cùng trong danh sách kì quan thế giới.
Nhưng cái vĩ đại và kì diệu hơn cả của thành phố này là Thư viện Alexandria, và Tòa nhà bảo tàng Mouseion (museum, theo nghĩa đen lấy từ tiếng Hy Lạp, là cơ quan dành cho các lĩnh vực sáng tạo đặc biệt mà chín Thi thần bảo trợ).
Alexander khuyến khích sự tôn trọng các nền văn hóa xa lạ và sự mưu cầu tri thức một cách cởi mở. Ông khuyến khích tướng sĩ và binh lính kết hôn với phụ nữ Ba Tư và Ấn Độ, ông tôn kính các vị thần của các dân tộc khác.
Ptolemaios tiếp tục kế thừa những giá trị tốt đẹp mà Alexander đã khởi xướng đặc biệt là thái độ nghiêm túc với học vấn. Với mục tiêu muốn biến Alexandria thành một trung tâm văn hóa lớn có khả năng cạnh tranh với Athens, ông đã cho xây dựng bảo tàng vĩ đại này để bảo tồn di sản văn hóa Hy Lạp.
Thư viện của Alexandria
Alexandria đã trở thành một trong những nơi đáng sống nhất, một môi trường làm việc tuyệt vời cho các bộ óc xuất sắc nhất thời đại lúc bấy giờ.
Về cấu trúc, thư viện bao gồm 10 gian phòng nghiên cứu lớn, mỗi gian dành cho một môn riêng biệt, ngoài ra có các đài phun nước và hang cột, vườn thực vật, vườn thú, các phòng học phẫu thuật, một đài quan sát thiên văn, và một phòng ăn rất rộng để khi rỗi rãi các nhà thông thái có thể tiến hành tranh luận về các ý tưởng. Các nhà bác học lưu trú tại Mouseion đều được chiêu đãi nồng hậu, được cấp ăn ở, được trả tiền công để tiến hành công việc của mình.
Thư viện là thứ tạo nên danh tiếng và uy tín của Mouseion và cả thành Alexandria, với trọng tâm cao cả là sưu tập sách.
Để chất đầy được thư viện, chiến lược của Ptolemaios khá đơn giản. Tất cả những con tàu muốn cập bến Alexandria đều bị cảnh binh khám xét – không phải tìm hàng buôn lậu mà là tìm sách. Các cuộn sách được mượn về, sao chép và sau đó trả lại cho chủ của chúng.
Về sau Ptolemaios II, người nối ngôi của vị vua đầu tiên đã kêu gọi tất cả các quốc vương trên thế giới gửi bản sao của những tác phẩm nổi tiếng nhất trên lãnh địa của họ. Vào ngày khai trương, thư viện Alexandria đã có đến gần 400.000 cuốn sách, sau này con số tăng lên đến 700.000 cuốn, mỗi tập là một cuộn giấy cói papyrus chép tay.
Bên cạnh đó, những người tổ chức thư viện còn cử phái viên đi ra nước ngoài mua sách cho thư viện.
Kế hoạch này của Plotemaios được tiếp tục vận hành trong hơn bảy thế kỉ làm cho thư viện trở thành kho tàng tri thức nhân thuộc hàng khủng nhất thời bấy giờ.
Alexandria không chỉ có những học giả soạn thảo hoặc phát minh ra những kiến thức mới. Một hệ thống gồm những người biên chép, chuyển ngữ, phê bình và biên tập các công trình nghiên cứu đã hình thành và phát triển cùng Mouseion.
Tinh hoa hội tụ nơi đất lành thành Alexandria
Các nhà bác học cũng gây dựng nên tên tuổi của mình ở Alexandria, nơi giới tri thức gìn giữ tinh hoa của nhân loại ở bên bờ Địa Trung Hải. Cùng với sự phát triển của khoa học đạt thời độ đỉnh cao, tài năng của những bộ óc vĩ đại cũng nở rộ ở đây.
Trong số vô vàn các nhà bác học xuất chúng, mình muốn nhắc tới 4 cái tên nổi bật đó là Eratosthenes, Euclid, Ptolemy và Hypatia.
1/ Eratosthenes - Người đầu tiên đo được chu vi Trái Đất
Một trong số những cư dân trứ danh nhất của Mouseion là Eratosthenes đến từ thành Cyrene. Điều đáng để chúng ta nhớ về người đàn này chính là đây là người đầu tiên đo được chính xác chu vi Trái Đất, aka người đầu tiên đo được kích thước của một hành tinh. Ngầu ha?
Nghe có vẻ cũng không có gì to tát nhưng bạn hãy nhớ là lúc đó là hơn 2.200 năm trước và công cụ thô sơ chỉ có cọc, đôi mắt, đôi chân và bộ não.
Ông là Giám đốc của Thư viện Alexandria.
Funfact là một trong những người cùng thời đã ghen tị và gọi ông là “Beta” chữ cái thứ hai trong bộ chữ cái Hy Lạp vì ông này nói rằng Eratosthenes chỉ giỏi thứ nhì thế giới về mọi lĩnh vực nhưng ông này lại là “Alpha” ở mọi thứ 😂
Ông là nhà thiên văn, sử học, địa lý học, triết học, nhà thơ, nhà phê bình sân khấu và nhà Toán học. Profile quá là khủng, quá là Alpha.
Nhờ đọc sách bằng giấy cói trong thư viện mà Erastosthenes biết được rằng vào ngày Hạ chí 21/6 - ngày dài nhất trong năm, tại Syene (chỗ thác ghềnh đầu tiên của sông Nile), các bóng của cột đền thờ sẽ ngắn dần khi gần tới trưa, và khi Mặt Trời chiếu ở vị trí thẳng phía trên đỉnh đầu, lúc ấy các bóng của cột đền thờ biến mất.
Quan sát về cọc gỗ, bóng râm, hình phản chiếu dưới giếng, vị trí Mặt Trời tưởng chừng là những thứ đơn giản hằng ngày nhưng một nhà khoa học như Erastosthenes lại suy ngẫm khác đi: Ông muốn làm thí nghiệm để xem ở Alexandria các cọc đứng thẳng có hắt bóng xuống đất vào ngày 21 tháng 6 hay không. Và ở thành phố nơi ông sống, chúng có đổ bóng xuống.
Vậy là, cùng một thời điểm, cái cọc ở Syrene không hắt bóng, còn cọc ở Alexandria (nơi xa hơn về phía Bắc) hắt bóng khá rõ. Nếu Trái Đất phẳng thì hai cọc ở 2 vị trí sẽ đổ bóng giống nhau nhưng đây lại khác, vậy là lời giải thích chỉ có thể là bề mặt Trái Đất cong và độ cong càng lớn thì chênh lệch độ dài cọc càng lớn.
Vì Mặt Trời ở xa đến nỗi những tia nắng của nó đi song song khi tới Trái Đất. Các cọc nghiêng các góc khác nhau so với tia nắng sẽ tạo ra các bóng dài ngắn khác nhau. Với sự chênh lệch về độ dài của các bóng cọc đã quan sát được, thì khoảng cách giữa Alexandria và Syene vào khoảng 7% trên bề mặt Trái Đất.
Nếu ta tưởng các cây cọc được kéo dài tới tâm Trái Đất thì chúng sẽ cắt nhau khoảng 7%, tầm 1/50 của 360 độ, tức là toàn bộ chu vi Trái Đất.
Thêm vào đó, Erastosthenes còn có một dữ liệu quan trọng khác là khoảng cách giữa Syene và Alexandria là tầm 800km (ông đã đầu tư thuê hẳn bộ đếm chạy bằng cơm - một người đi đo đếm bước chân :)) ). 800km nhân với 50 thành 40.000km - một con số lúc đó Erastosthenes tin rằng là chu vi của Trái Đất.
Bất ngờ là đây là một câu trả lời chính xác ( cực kì chính xác thì là 40,007.863 km, cũng không lệch quá nhiều, sai số chỉ vài phần trăm).
Sau khám phá của Erastosthenes, người ta đã biết rằng Trái Đất là một hình cầu có đường kính không lớn, và vậy là người ta có lòng can đảm để lên đường thám hiểm, tìm kiếm những vùng đất chưa từng được khám phá.
Tuy rằng phải rất lâu sau, tới thời của Magellan thì mới có người đi vòng quanh Trái Đất thành công nhưng quả thực việc những nhà phiêu lưu dám đánh cược cuộc đời mình vào kiến thức toán học của một ông Thủ thư ở Alexandria vẫn thực sự liều lĩnh và thú vị.
2/ Nhà toán học nhiều học sinh biết nhất - Euclid (tên thân mật là Ơ-clit)
Chắc hẳn bạn đã từng gặp nhà toán học này khi đi học rồi phải không? Một trong tiên đề Ơ-clit phổ biến là về đường thẳng song song: “Qua một điểm ở ngoài một đường thẳng chỉ có một đường thẳng song song với đường thẳng đó” hay “Tổng 3 góc của 1 tam giác luôn bằng 180 độ”.
Euclid là một trong the Big Three - Tam Đại, 3 nhà khoa học và toán học Hy Lạp cổ đại sau Aristotle vĩ đại. (Ông Aristotle này chính là thầy của Alexander Đại đế mình nhắc tới ở trên đó :)) )
Euclid (khoảng năm 330-260 TCN) không phải là người đầu tiên nghĩ tới hình học (người Babylon cũng rất giỏi bộ môn này) nhưng ông là người đầu tiên tổng kết lại các tiên đề, quy tắc và quy trình cơ bản của bộ môn này theo dạng sách giáo khoa.
Alexandria là nơi mà Euclid đã viết nên phần lớn bộ sách: Cơ sở của hình học vĩ đại, giải quyết các vấn đề về không gian như: điểm, đường, mặt phẳng, thể tích, cuốn sách này được áp dụng vào nghiên cứu trên khắp Châu Âu.
3/ Cladius Ptolemy - Ông tổ ngành chiêm tinh học, người đầu tiên đặt nền móng cho thuyết Địa tâm
Claudius Ptolemy là người cuối cùng trong Tam Đại, và trùng hợp là ông cũng làm việc tại Alexandria. Giống như nhiều nhà khoa học khác của thế giới cổ đại, ông cũng quan tâm tới nhiều vấn đề khác nhau như âm nhạc, địa lý và bản chất lẫn vận động của ánh sáng.
Tác phẩm mang lại cho Ptolemy danh tiếng muôn đời là Almagest, cuốn sách chứa nhiều kiến thức thiên văn học và toán học, được viết ở thế kỉ 2 trước Công Nguyên.
Trong tác phẩm này, Ptolemy tập hợp và mở rộng các nhận định của nhiều nhà thiên văn học Hy Lạp cổ, bao gồm bản đồ sao, tính toán chuyển động của các hành tinh, Mặt Trăng, Mặt Trời và các vì sao, cùng với cấu trúc của Vũ trụ.
Dù vào thời điểm đó ông cho rằng Mặt Trời xoay quanh Trái Đất (thuyết Địa tâm), Almagest vẫn là một tài liệu tham khảo đáng giá cho đến khi Kopernik đóng góp phát hiện của mình vào thế kỉ 16. Và tên tuổi của người đàn ông này thậm chí được xếp ngang hàng với Hippocrates, Aristotle và Galen.
4/ Nữ vĩ nhân Hypatia - Ánh sáng cuối cùng của thư viện
Vào thế kỉ 4, giữa thời kỳ phát triển rực rỡ thì ánh sáng của thư viện bị chen ngang bởi Hoàng đế Theodosius I, người muốn biến cải Đế Chế sang đạo Kito, nên đã ra lệnh đóng cửa Bảo tàng Mouseion.
Cha của Hypatia là người quản lý Mouseion khi nơi này bị đóng cửa. Người ta kể lại đã có rất nhiều tới nghe Hypatia thuyết giảng, người phụ nữ thông tuệ vượt trên mọi đàn ông trong thời đại của mình.
Bà vừa là một nhà toán học, vừa là một triết gia. Bà cũng là nhà toán học nữ và triết gia nữ đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Thực ra cũng không hẳn là đầu tiên mà là người phụ nữ đầu tiên có những nghiên cứu toán học được lưu lại đến đời sau, có rất nhiều nguồn nhắc đến nghiên cứu của bà.
Bà quan tâm tới số học, hình học và thiên văn học. Bà mở rộng những công trình trước đó của Diofantus và Ptolemaeus. Không chỉ vậy, bà còn là nhà phát minh, bà được coi là người đã phát minh ra thủy kế đo mật độ chất lỏng nhờ áp dụng nguyên lý Archimedes, hay một dụng cụ đo thiên thể giúp việc đo đạc thiên văn dễ dàng hơn.
Thật đáng tiếc vì cuộc đời của nữ vĩ nhân tài hoa lại kết thúc đau đớn khi vào năm 415, bà phải hứng chịu cơn thịnh nộ của những tín đồ Kito giáo và đám người này đã sát hại bà.
Cái kết ảm đạm của một thời kì huy hoàng
Sau khi Hypatia qua đời và Mouseion đóng cửa, ngọn lửa tri thức và khoa học ở Alexandria đã lụi tàn.
Bộ sưu tập của thư viện không còn ai chăm nom gìn giữ nữa. Hỏa hoạn, cướp bóc, sóng thần và động đất đã làm tan nát cả thành phố và đến thế kỉ 7, người ta không còn thấy vết tích gì còn lưu lại của một thời hoàng kim nữa.
Sau tất cả những gì còn lại của Thư viện Alexandria chỉ còn là một vài giá bệ mục nát, những di tích vật chất duy nhất còn sót lại trên cuộc đời này của viện nghiên cứu thực thụ đầu tiên trong lịch sử thế giới.
Các học giả của thư viện đã nghiên cứu toàn bộ Vũ trụ (Cosmos), Cosmos là từ Hy Lạp để chỉ trật tự của vũ trụ. Theo cách hiểu, nó đối lập với Hỗn độn (Chaos), ngụ ý sự liên quan lẫn nhau sâu sắc của mọi vật, nó chuyển tải nỗi kính sợ trước cách thức tinh tế và phức tạp kết nối toàn bộ vũ trụ.
Cộng đồng các nhà bác học khảo sát vật lý, văn chương, y học, thiên văn học, địa lý, triết học, toán học, sinh học và kỹ thuật tập trung ở đây. Khoa học và học vấn phát triển đạt tới độ chín muồi ở thành phố vinh quang này.
Thư viện Alexandria là nơi con người lần đầu tiên thu thập một cách nghiêm túc và có hệ thống kiến thức về thế giới. Và mất mát của Thư viện Alexandria chính là thảm họa của cả nhân loại.
Nếu chúng ta biết rằng trên giá sách từng có tác phẩm của nhà thiên văn học Aristarchus, người đã phát hiện ra Trái Đất là một trong những hành tinh, các ngôi sao cách rất xa Trái Đất, những kết luận này đều đúng nhưng cái giá phải trả là 2000 năm, để chúng ta tìm ra được một phát hiện tương tự.
Dù rằng ngày nay chúng ta đã vượt xa nền khoa học của thế giới cổ đại nhưng vẫn sẽ còn đó những chỗ trống không thể bù đắp trong kiến thức lịch sử của chúng ta.
Hãy hình dung một viễn cảnh nơi mà thư viện Alexandria được bảo tồn cùng thời gian, khi ấy chỉ cần có chiếc thẻ mượn sách của thư viện thì hẳn loài người của chúng ta đã có thể giải thích được nhiều bí ẩn nhanh hơn, kiến tạo nhiều hơn những bước tiến đột phá trong khoảng thời gian hữu hạn mà giống loài ta được sinh sống trên một hạt bụi quay xung quanh một ngôi sao tầm thường trong một xó xỉnh hẻo lánh bậc nhất của một thiên hà mờ hạt rồi.
Kết lại
Câu chuyện về Thư viện thành Alexandria đã cho mình một vé quay ngược lại quá khứ để biết rằng đã có một thời kì tri thức nhân loại đã từng đạt tới đỉnh cao đến vậy dưới sự trị vì của những người ông vua biết trân quý sự hiểu biết kết hợp với sự tò mò và say mê nghiên cứu của những nhà khoa học.
Thật tiếc cho một chương huy hoàng nhưng lại kết thúc trong bi kịch của lịch sử loài người chúng ta các bạn nhỉ?
Bài viết của mình có tham khảo từ 3 cuốn sách cực hay ở dưới đây. Mời bác đọc thử nếu có thời gian nha!
#1 Vũ trụ (Sự tiến hóa của vũ trụ, sự sống và nền văn minh) - Carl Sagan.
Những câu chuyện tuyệt đẹp, những áng văn trữ tình đưa chúng ta du hành vũ trụ, khám phá thế giới từ vĩ mô của thiên hà tới thế giới vi mô của những con vi khuẩn nhỏ bé trên Trái Đất. Đọc để thấy rằng chúng ta nhỏ bé nhưng hành trình của chúng ta cũng lấp lánh đầy ánh sáng và thi vị như thế nào trong Vũ trụ này.
#2 Toán học một thiên tiểu thuyết (Lịch sử toán học kể từ thời tiền sử đến nay) - Mickael Launay
“Hầu hết mọi người đều thích toán, tiếc là họ không biết điều này!” Cuốn sách cho người ta thấy được vẻ đẹp, chất thơ của toán học và khẳng định rằng mọi người đều có thể yêu thích toán học và đều có thể cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên của nó.
#3 Lược sử khoa học - William Bynum
Thông qua những chương sách nhỏ xinh về kính viễn vọng, các chất khí, động cơ, tế bào,... cuốn sách đã khái quát lịch sử khoa học từ thiên văn của người Babylon tới Dự án Bản đồ gen người.
Lối viết duyên dáng, hóm hỉnh của tác giả giúp chúng ta dễ dàng tiếp nhận những nghiên cứu đồ sộ của khoa học. Đọc cuốn sách này để thấy những điều hiển nhiên ngày nay hóa ra không hiển nhiên đến thế nếu không có công sức của các nhà khoa học không ngừng khám phá và thế giới vẫn còn rất nhiều điều kì thú đang chờ đợi chúng ta.
kể chuyện hay quá <3
Bài viết công phu quá ạ ✍🏻