Hành trình 30 năm lột xác của khu Quận 7 - Nhà Bè
Từ một khu đầm lầy lau sậy, đất đai chua mặn, điều gì đã làm nên một diện mạo quận 7 hiện đại như ngày nay?
Hồi năm lớp 10, nhờ kết quả học tập tốt mình may mắn nhận được học bổng của quỹ Lawrence S.Ting.
Lúc ấy mình cũng không biết Lawrence S.Ting là ai, chỉ biết là một người rất hào phóng, và cái tên ấy dần chìm vào quên lãng.
Rồi cho tới khi mình chuyển vào Sài Gòn sinh sống và làm việc, tình cờ thế nào lại gắn bó với khu quận 7, và tên của người hào phóng đó hiện diện rất nhiều ở khu mình sống.
Mình lờ mờ nhận ra sự kết nối nào đó giữa quỹ học bổng mình nhận hồi cấp ba và khu nơi mình ở hiện tại.
Mọi thứ trở nên rõ ràng khi mình nghe tập podcast phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng trên show Vietsuccess về hành trình xây dựng nên khu quận 7 ngày nay.
Vậy nên trong bài viết này mình sẽ chia sẻ lại câu chuyện ngắn gọn về hành trình lột xác từ khu đầm lầy Nhà Bè tới một trong những khu đô thị phát triển hiện đại nhất ở Việt Nam cho các bạn nghe nhé.
…Ngày nay
Khi nhắc đến quận 7, chắc hẳn mọi người sẽ đều nghĩ ngay đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, một khu vực kinh tế nhộn nhịp và sầm uất của cả nước, thu hút nhiều vốn đầu tư của nước ngoài, có một lượng lớn dân cư nước ngoài sinh sống. Đây được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu mà ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa có một mô hình tương tự.
… Quay ngược thời gian
Nhưng vào khoảng 30 năm trước, mình thật sự bất ngờ khi khu Nhà Bè là một khu đầm lầy lau sậy, địa hình có nhiều kênh rạch chảy qua thành mạng lưới phức tạp. Cuộc sống người dân nơi đây rất nghèo, họ thường kiếm ăn dựa vào sông nước, trẻ con thì không được đi học đầy đủ. Người ta còn bảo khu Nhà Bè là vùng chua mặn, nơi “thảy con trâu còn chìm”.
… Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Bộ mặt hiện đại của Quận 7 hiện nay có thể được điểm danh qua 3 công trình quan trọng là Khu chế xuất Tân Thuận (KCX Tân Thuận), Đại lộ Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
1/ Khu chế xuất Tân Thuận
Về sự ra đời của KCX Tân Thuận: Ông Phan Chánh Dưỡng kể lại, đây là một trong 8 đề án mà các công ty ở Sài Gòn nộp lên Thành phố trong cuộc phát động đề án phát triển thành phố sau Đổi mới.
Lý do thành lập: KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên của cả nước ta, diện tích ban đầu 300ha, xây dựng năm 1991, là mô hình thí điểm đầu tiên, mở đường cho mô hình Khu công nghiệp (KCN) sau này.
Ông Dưỡng chọn mô hình khu chế xuất thay vì khu công nghiệp là vì KCX là mô hình phù hợp để cho các công ty nước ngoài có thể tiếp tục sử dụng nhà máy họ đang khai thác ở quốc gia của họ, tận dụng chi phí đất rẻ, nhân lực, điện, nước rẻ, điện, nước để sản xuất ra sản phẩm xuất ra nước ngoài bán, không trực tiếp cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa.
Khu Công nghiệp thì họ sẽ được bán trong nước mình, gây nguy hiểm cho nền sản xuất nội địa còn non trẻ.
Để thuận lợi cho việc vận tải xuất nhập khẩu thì cần gần cảng. Có 2 lựa chọn lúc đó cho ông Dưỡng là khu Tân Cảng và khu Tân Thuận, do Tân Cảng do quân đội quản lý nên ông chọn Tân Thuận - có cảng Sài Gòn.
Vùng đất ngập mặn hoang hóa nghèo khó đã được chọn thành mảnh đất trọng yếu trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam trong bối cảnh đất nước còn bị cấm vận.
Tới năm 2020, vai trò KCX Tân Thuận tới nền kinh tế nước nhà rất đáng kể: có tới 236 xí nghiệp của 21 quốc gia, doanh số nhập khẩu hàng năm 2 tỷ USD, tạo ra công ăn việc làm cho 60 ngàn lao động.
2/ Đại lộ Nguyễn Văn Linh
Bước tiếp theo trong đại kế hoạch phát triển khu vực Nhà Bè sau khu KCX là xây dựng một con đường nối từ đông sang tây của khu vực Nam Sài Gòn - xương sống cho sự phát triển, đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh.
Đây là tuyến đường dài 17,8km, băng qua vùng đầm lầy, nối từ KCX đến quốc lộ 1A, được khởi công năm 1996, hoàn thành năm 2007, chạy được tới 10 làn xe. Ngày nay, đây là trục giao thông huyết mạch của TP HCM.
Vai trò của đại lộ là vô cùng quan trọng vì lúc đó việc đi lại của Nhà Bè rất khó khăn, chỉ có một tuyến đường độc đạo là Nguyễn Tất Thành (từ quận 4 qua) nhỏ hẹp không thể đáp ứng nhu cầu của khu chế xuất với một tiềm lực phát triển giao thương lớn.
Vấn đề lớn nhất là xử lý nền đất yếu, ông Phan Chánh Dưỡng kể lại ông đã nghiên cứu rất kĩ lịch sử phát triển hơn 300 năm của Nam Bộ, và nhận ra những con đường trên Quận 1 như Nguyễn Huệ, Hàm Nghi ngày xưa cũng là dòng sông thôi, cơ bản giống với tình trạng của Nhà Bè. Và ông tin rằng, với kiến thức và công nghệ hiện đại, có thể rút ngắn chỉ cần 30 năm để đạt được kết quả như 300 năm trước và thuyết phục cấp lãnh đạo vào khả năng này.
Cuối cùng, các bên thống nhất chọn đắp cát làm đường vì vật liệu này chịu lực tốt, độ ổn định cao sau khi được bồi đắp nhiều lần.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh như là tiền đề cho sự phát triển của khu vực Nam Sài Gòn, tiếp theo là 2 tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Tạo để tiếp tục mở rộng cơ hội tới khu Nhà Bè, đưa khu vực này thành trung tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Không chỉ vậy, Đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng được ông Phan Chánh Dưỡng nhìn nhận là một trong những thay đổi chiến lược về tư duy về đầu tư hạ tầng giao thông của thành phố.
Sau khi đại lộ hoàn thành, Thành phố tiếp tục làm những tuyến đường rộng mênh mông như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng để giúp khơi thông nguồn lực kinh tế, xã hội.
3/ Khu đô thị Nam Sài Gòn - Phú Mỹ Hưng
Vì KCX Tân Thuận đã chọn mô hình KCX Cao Hùng (Đài Loan) để tham khảo, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) đã hợp tác cùng với công ty CT&D (Đài Loan) của ông Lawrence S.Ting - Đinh Thiện Lý để xây dựng KCX Tân Thuận.
Sau đó CT&D và IPC tiếp tục liên doanh hình thành công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng để xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị Nam Sài Gòn với vai trò là cụm đô thị dọc theo tuyến đường xương sống này.
Đồ án quy hoạch tổng thể Khu đô thị Nam Sài Gòn lên tới 2600 ha, cùng với 21 phân khu chức năng. Các nhà lãnh đạo liên doanh đã tổ chức cuộc thi Quy hoạch quốc tế Nam Sài Gòn vào năm 1993 thu hút nhiều công ty thiết kế nổi tiếng tham dự.
Kết quả là công ty Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ) đã được chọn với ý tưởng “Đô thị trong mảng xanh thiên nhiên” được thể hiện 3 dải dài theo trục đường đại lộ.
Trong đó, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (PMH) là 1 trong 21 phân khu chức năng theo Quy hoạch tổng thể Nam Sài Gòn, có diện tích 433ha, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè xưa.
Ông Phan Chánh Dưỡng đã kể về một kỉ niệm đáng nhớ của Khu Nam Sài Gòn là ông đọc được một bài báo viết về ước mơ của một đứa trẻ ở vùng Nhà Bè là lớn lên làm nghề chằm lá vì đi bắt ốc bắt cua lạnh lắm (chằm lá kiểu như đan lá dừa thành món gì đó, ở đây mình hiểu là kiểu để mặc thêm lúc đi mò cua bắt ốc).
Điều này làm ông vô cùng buồn vì Việt Nam sau khi hết chiến tranh, con cháu Bác Hồ vẫn chỉ ước mơ làm nghề chằm lá. Cộng thêm từ kinh nghiệm của bản thân, ông thấm thía được tầm quan trọng của việc học tập đối với thay đổi cuộc đời của người nghèo ra sao. Vì vậy, ông đã bàn với ông Lawrence S.Ting là xây dựng trường học là việc đầu tiên cần làm ở khu Nam Sài Gòn. Trường học Nam Sài Gòn là công trình được xây dựng đầu tiên ở khu Phú Mỹ Hưng này.
Năm 2008, Khu đô thị PMH được Bộ xây dựng công nhận là khu đô thị đầu tiên ở Việt Nam. Và sau 30 năm xây dựng, PMH vươn lên là một đô thị hiện đại, trung tâm kinh tế, văn hóa, giải trí, giáo dục của phía Nam thành phố.
4/ Ông Lawrence S.Ting
Để có được sự phát triển như ngày nay của khu Nhà Bè, có thể nói ông Lawrence S.Ting đã đóng góp vai trò vô cùng quan trọng.
Tuy là một nhà kinh doanh lĩnh vực nhựa từ Đài Loan, lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam ông đã chọn thực hiện xây dựng KCX, rồi cùng tiếp tục chung tay trong việc xây dựng tuyến đường huyết mạch cùng khu đô thị kiểu mới cho một vùng đất chỉ thấy khó chứ chưa thấy cái lời trước mắt.
Ông đã đặt niềm tin lớn vào tiềm năng phát triển của Việt Nam, đầu tư nguồn lực và tận tụy đồng hành cùng nước ta trong những giai đoạn đầy khó khăn ở thời kỳ đầu của công cuộc Đổi Mới.
Kết lại
Từ vùng đất chua mặn, đầm lầy, bằng sự tâm huyết và tầm nhìn chiến lược, những thế hệ đi trước đã giúp khai phá tiềm năng, khơi thông các nguồn lực để làm thay đổi diện mạo của một khu vực rộng lớn, thay đổi cuộc sống của nhiều người dân vùng khó khăn.
Mình hy vọng câu chuyện này giúp bạn có cơ hội hiểu thêm về sự chuyển mình của khu Quận 7 - Nhà Bè và sự nỗ lực phi thường của những người mong muốn làm những điều không thể.
Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui và hạnh phúc!
Nguồn tham khảo
Link podcast phỏng vấn bác Phan Chánh Dưỡng:
https://phumyhung.vn/hoi-thao-khoa-hoc-phu-my-hung-29-nam-xay-dung-va-phat-trien/
https://tuoitre.vn/khu-do-thi-phu-my-hung-hanh-trinh-khat-vong-20230517172414994.htm
https://kgtv.vn/tin-tuc-va-su-kien/bien-dam-lay-thanh-dai-lo-rong-120-m-o-nam-sai-gon/
Ảnh: Tổng hợp từ Internet
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Từ lớp 1 đến lớp 9 Nguyên là “hàng xóm” của Lawrence S. Ting (Nguyên học Nam Sài Gòn) (cái trường bán công ở phía bên kia cầu ấy ko phải trường quốc tế), đọc bài này tự nhiên nhớ nhà nhớ bạn nhớ trường huhu
ayo là 1 cư dân quận 7, anh rất rất appreciate bài viết này !! Sooo relatable somehow =))