Hà Nội: Thành phố của những con sông và nỗi lo ngập lụt
Bài toán khó để cân bằng giữa điều kiện vị trí địa lý và tốc độ đô thị hóa chóng mặt của Thủ đô
Đợt này mình về Hà Nội đúng đợt siêu bão Yagi. Nhìn đâu cũng thấy ảnh hưởng quá khủng khiếp của cơn bão để lại cho miền Bắc thân yêu, mong là sau bão nắng lại về, cuộc sống sẽ trở lại như bình thường sớm.
Từ những ngày xem tin dự báo thời tiết liên tục để theo dõi tình hình bão, mình mới ngớ người ra sao ở Hà Nội nhiều con sông tên lạ thế nhỉ? Trước giờ mình biết mỗi sông Hồng thui :)) Rồi câu chuyện hệ thống thoát nước đô thị của Hà Nội vận hành ra sao, mà các tuyến đường trong nội thành lại ngập lụt nhiều đến thế?
Với một tâm thế người con xa quê nhận ra sự hơi “mất gốc” của bản thân, mình quyết tâm đi tìm hiểu về nơi mình sinh ra và lớn lên từ một góc nhìn khác - Hà Nội, câu chuyện sông ngòi và hệ thống thoát nước đô thị.
Trong bài viết này, mình đi tìm hiểu về 3 câu hỏi chính sau đây:
Hà Nội có đặc điểm địa lý như thế nào?
Hệ thống thoát nước Hà Nội hoạt động ra sao? Có những nguyên nhân gì gây ra tình trạng ngập úng như hiện tại?
Các case study về hệ thống thoát nước, chống ngập trên thế giới?
Cùng mình bắt đầu nhé!
Phần 1. Địa lý Hà Nội
Về Thủy văn, Hà Nội được hình thành từ châu thổ sông Hồng.
Đây cũng là nguồn gốc cho cái tên của thành phố nơi mình sinh ra: Hà tức là sông, Nội nghĩa là bên trong, Hà Nội là “Thành phố trong sông”.
Từ những con sông lớn nhỏ miệt mài hàng vạn năm đem phù sa về bồi đắp, nên mới có được vùng châu thổ phì nhiêu như ngày nay.
Hơn 1000 năm trước, khi vua Lý Thái Tổ chọn khu đất Đại La bên cửa sông Tô Lịch làm nên “nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”, đã chứng minh được tầm vóc về vị thế của nơi kinh kỳ này.
Trước kia Hoa Lư được chọn làm kinh đô của nhà Đinh và Tiền Lê, tuy nhiên đây chỉ là nơi đồi núi, chỉ thuận lợi cho phòng thủ, không phù hợp cho việc phát triển kinh tế đất nước vào thời bình.
Trong khi đó xét về Đại La, trong “Chiếu dời đô” có viết:
Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Như vậy, tại thời điểm những năm 1010, kinh thành Thăng Long - tức Hà Nội ngày nay có địa lý vô cùng phong thủy, đặc biệt là tình trạng ngập úng chưa nghiêm trọng như hiện nay.
Về sông ngòi, chính xác thì “Thành phố bên trong sông” này có bao nhiêu con sông chảy qua?
Có đến tận 8 con sông chảy qua Hà Nội: sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Cà Lồ. Trong đó, đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội dài tới 163km (chiếm 1/3 chiều dài của con sông này chảy qua lãnh thổ Việt nam).
Sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu là 2 con sông nội đô, tức nằm trong lòng thành phố. Bên cạnh 2 con sông này, còn có hệ thống hồ đầm là những đường tiêu thoát nước thải của Hà Nội.
#1 Sông Hồng
Sông Hồng (còn gọi là sông Cái, sông Cả, sông Thao, Nhị Hà, Nhĩ Hà) bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) có tổng chiều dài 1.149km, trong đó đoạn dòng chảy trên đất Việt Nam dài 556km. Đây là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam.
#2 Sông Đà
Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, dài 927km, cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Đặc điểm có hàng trăm ghềnh thác hiểm trở, lưu lượng nước lớn, cung cấp hơn 30% lượng nước cho sông Hồng.
Hàng loạt các thủy điện lớn được xây dựng trên sông Đà như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... Sông Đà còn được gọi là dòng sông năng lượng.
#3 Sông Đuống
Sông Đuống là phân lưu của sông Hồng, dài 65km, nối liền hai con sông lớn của miền Bắc là sông Hồng và sông Thái Bình. Điểm đầu tại nơi giáp ranh giữa xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) và quận Long Biên của thành phố Hà Nội. Điểm cuối tại xã Cao Đức (Bắc Ninh) để hợp lưu với sông Thương thành sông Thái Bình.
#4 Sông Tích
Sông Tích bắt nguồn từ vùng núi Ba Vì, chảy qua các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và hợp lưu với sông Bùi (từ Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy về) tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, sau đó nhập vào sông Đáy tại ngã ba Ba Thá, huyện Chương Mỹ. Tổng chiều dài 110km.
#5 Sông Đáy
Sông Đáy có chiều dài khoảng 240km, là phân lưu của sông Hồng chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ tại Cửa Đáy. Sông là dòng chảy chính của các sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Sắt, sông Nam Định, sông Vạc.
#6 Sông Nhuệ
Sông Nhuệ là một con sông nhỏ, thuộc phụ lưu của sông Đáy. Sông dài khoảng 76km, uốn lượn theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Đoạn thuộc địa phận Hà Nội dài 63km.
#7 Sông Cầu
Sông Cầu là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình, sông nằm lọt trong vùng Đông Bắc Việt Nam. Tại địa phận Hà Nội, sông Cầu là ranh giới tự nhiên giữa huyện Sóc Sơn và tỉnh Bắc Giang.
Lưu vực sông Cầu có dòng chính là sông Cầu với chiều dài 290km, bắt nguồn từ núi Văn Ôn (Vạn On, Bắc Kạn) và đổ vào sông Thái Bình ở Phả Lại.
#8 Sông Cà Lồ
Cuối cùng là sông Cà Lồ, lấy nước từ sông Hồng, kết hợp với nguồn nước từ dãy núi Tam Đảo để đổ vào sông Cầu tại địa phận xã Việt Long (huyện Sóc Sơn - Hà Nội). Sông có chiều dài 89km.
#9 Sông Tô Lịch
Sông Tô Lịch là con sông nhỏ chảy trong nội thành Hà Nội. Dòng chính chảy qua các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Chiều dài sông chỉ 13,5km.
Trong các tài liệu địa chí, lịch sử đều viết rằng sông Tô là một tuyến đường sông quan trọng và hàng ngày người dân vẫn đánh cá, vận chuyển hàng hóa từ sông Hồng tỏa đi các nơi. Sông Tô bao quanh kinh đô Thăng Long xưa, là một cạnh của “Tứ giác nước Thăng Long”. Sông Tô có giá trị về mặt giao thông đường thủy và gần như là ranh giới tự nhiên của kinh thành Thăng Long.
Vào thời Nguyễn, sông Tô vẫn còn là một dòng sông quan trọng, dù theo biến đổi tự nhiên, sông Hồng dần chuyển dòng sang phía tả ngạn, cửa sông Tô bị bồi tụ dần, nước sông Hồng không vào được, dần dần sông Tô mất đi vị thế con đường thủy của mình. Năm 1889, người Pháp lấp một phần sông Tô để quy hoạch ra 36 phố phường.
#10 Sông Kim Ngưu
Sông Kim Ngưu cổ là một phân lưu của sông Tô Lịch. Lấy nước từ sông Tô Lịch ở ô Cầu Giấy chảy qua Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, ô Cầu Dền, ô Đông Mác, Yên Sở, rồi hợp lưu trở lại ở Văn Điển.
Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nay chỉ còn chức năng là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội. Hiện Kim Ngưu còn lại một đoạn lộ thiên, dài khoảng gần 4km, từ Ô Đông Mác đến hồ Yên Sở.
Việc có hệ thống sông ngòi dày đặc vừa mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có những khó khăn cho Hà Nội.
Một mặt, các con sông cung cấp nguồn nước dồi dào cho sinh hoạt và sản xuất, góp phần điều hòa làm mát không khí nhưng cũng đặt ra bài toán khó cho Thủ đô để giải quyết được tình trạng ngập lụt và việc kiểm soát chất lượng nước thải xả ra sông hồ.
Phần 2: Hệ thống thoát nước Hà Nội
Hệ thống thoát nước của 12 quận nội thành Hà Nội được chia làm 3 Lưu vực chính.
#1 Lưu vực sông Nhuệ: khu vực rộng khoảng 110 km2, cover quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, một phần Tây Hồ và huyện Thanh Trì. Tại đây nước chủ yếu tự chảy, phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ. Lưu vực này có tổng cộng 5 trạm bơm, trong đó Trạm bơm Yên Nghĩa chưa hoàn thành.
Khu vực này được gọi là khu vực phía Tây Hà Nội, có Siêu trạm bơm Yên Nghĩa được xây dựng với chi phí lên tới 7.400 tỷ đồng với 10 tổ bơm công suất xả nước 120 m3/s, gấp 1,5 lần công suất trạm bơm Yên Sở và là trạm bơm lớn nhất Hà Nội hiện nay.
Nếu dự án hoàn thành thi công 100% và kênh dẫn nước La Khê đưa nước từ sông Nhuệ vào nhà máy để bơm ra sông Tích thông suốt, việc bơm xả, hạ mực nước sông Nhuệ mỗi khi mưa lớn là mục tiêu của nhà máy.
Tuy nhiên do vướng mắc ở quá trình giải phóng mặt bằng ở quận Hà Đông, nên kênh dẫn nước chưa hoạt động như dự kiến dẫn đến công suất của trạm bơm còn nhiều hạn chế.
#2 Lưu vực sông Tô Lịch: khu vực rộng khoảng 77,5 km2, cover hầu hết các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, một phần Tây Hồ và Thanh Xuân. Hệ thống này là hoàn chỉnh nhất trong thành phố, đáp ứng được lượng mưu vào khoảng 310mm/2 ngày.
#3 Lưu vực Long Biên: Chủ yếu thoát nước qua việc bơm ra sông Đuống.
Vấn đề của hệ thống thoát nước Thủ đô
Dù đã đầu tư hệ thống hàng nghìn tỷ đồng, Hà Nội vẫn ngập và ngày càng ngập nặng, vậy lý do là do đâu?
#1 Mưa vượt giá trị lịch sử
Yếu tố tự nhiên này là yếu tố quan trọng nhất. So với thời điểm hơn 1000 năm trước, lượng mưa của Hà Nội đã tăng đáng kể.
Vào năm 2022, lượng mưa ngày 29/5 tại trạm Láng, quận Đống Đa là 138mm, vượt mốc lịch sử 132,5mm của năm 1986. Quận Cầu Giấy mưa 170mm/ 2 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ trước tới nay, ứng với chu kỳ 100 năm xuất hiện một lần. Lượng mưa 150 mm/2 giờ ở Tây Hồ ứng với chu kỳ 50 năm xuất hiện một lần.
Trong khi tình trạng mưa ngày càng diễn biến khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, chủ yếu mưa lớn tập trung vào một thời điểm, thì hạ tầng thoát nước lại được xây dựng dựa trên input đầu vào là lượng mưa trong quá khứ lịch sử. Vì vậy công suất không đáp ứng theo kịp được thời tiết cực đoan.
#2 Hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ
Hà Nội với tốc độ đô thị hóa nhanh và không đồng đều đã dẫn tới sự thiếu đồng bộ giữa 3 lưu vực.
Như bạn có thể nhớ 3 lưu vực ở trên, trong đó chỉ có khu vực sông Tô Lịch là tương đối hoàn chỉnh, còn lại các lưu vực Sông Nhuệ và Long Biên vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu hồ điều hòa, trạm bơm chưa đạt công suất như dự kiến.
Thành phố cũng đã có kế hoạch triển khai đồng bộ các trạm bơm và hệ thống tiêu thoát nhưng cũng sẽ cần mức kinh phí lớn và thời gian dài hạn.
Và lưu vực sông Tô Lịch được xây dựng với tính toán từ nhiều năm trước chắc chắn sẽ có khả năng quá tải với tốc độ phát triển mới.
#3 Tiến độ triển khai các dự án thoát nước
Trạm bơm Yên Nghĩa ở trên là một ví dụ điển hình. Trên mặt bằng thành phố, còn rất nhiều các công trình khác đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng.
Phố Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho, quận Tây Hồ) thoát nước phụ thuộc vào hệ thống mương Thụy Khuê. Tuy nhiên, sau 10 năm khởi công, dự án cải tạo mương Thụy Khuê dài 1,8 km vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, các công trình xây dựng quy mô lớn cũng ảnh hưởng tới hệ thống thoát nước như nhà ga dự án metro Nhổn - ga Hà Nội. Bởi để thực hiện dự án, đơn vị thi công đã nắn dòng thoát nước chung của tuyến vào một đường ống riêng chạy sát với công trường thi công. Đường ống này chưa đáp ứng nhu cầu, làm chậm khả năng tiêu nước.
#4 Diện tích mặt nước, cây xanh giảm
Tỷ lệ bê tông hóa ngày càng lớn, nước không thấm được xuống đất phải đổ về chỗ trũng, hình thành điểm ngập úng. "Địa hình Hà Nội là thấp ở trung tâm, cao dần ra phía ngoại thành nên nội thành luôn ngập nặng nhất", chuyên gia chia sẻ.
Việc xây dựng đô thị với mật độ cao tại vùng ven đô, vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp hoặc là những vùng thấp trũng chứa nước có chức năng điều hòa nước tự nhiên, là nguyên nhân chính dẫn tới ngập lụt. Trong đô thị diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống.
Phần 3. Case study từ các quốc gia khác
Nhìn xung quanh, Việt Nam có thể học hỏi được điều gì từ các anh lớn khác?
#1 Nhật Bản và G-Cans
Do vị trí địa lý nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, ở điểm nối của 3 vùng kiến tạo địa chất nên Nhật Bản thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, núi lửa và đặc biệt sóng thần. Không chỉ vậy, địa hình núi dốc của Nhật chiếm tới 75% diện tích đất, nên khi mưa lớn, các dòng sông ở đây dễ bị tràn, gây ra tình trạng ngập lụt.
Để bảo vệ người dân, Nhật Bản đã xây dựng một hệ thống cống dẫn nước khổng lồ nằm dưới mặt đất ngay gần Thủ đô Tokyo, tên đầy đủ là Kênh xả ngầm ngoài khu vực đô thị (Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel) nhưng vẫn thường được gọi là G-Cans. G-Cans được mệnh danh là cung điện dưới lòng đất của Nhật và là công trình thoát nước ngầm lớn nhất thế giới.
Cơ chế hoạt động của G-Cans là nước lũ từ các đường ống dẫn nước của thành phố chảy qua đường hầm vào bên trong các hầm chứa nước.
Khi hầm đầy, nước di chuyển qua các đường hầm dài rồi chảy vào Bể kiểm soát áp lực tên là The Temple, có chức năng giảm áp lực của dòng chảy, Ngôi đền dưới lòng đất này được nâng đỡ bởi 59 cột bê tông cốt thép, mỗi cột có thể đỡ được 500 tấn trọng lượng trần nhà rồi nước được bơm ra sông Edogawa. Phòng bơm của hệ thống cống ngầm có tới 78 máy công suất lớn, có thể bơm tới 200 tấn nước ra sông mỗi giây.
Công trình này được bắt đầu xây dựng từ năm 1992, đi vào hoạt động từ 2009, tổng chi phí lên tới 3 tỷ USD.
Theo hội đồng của trung tâm quản lí thiên tai Tokyo, nếu mưa lớn liên tục rơi xuống Tokyo trong 3 ngày, gây tràn sông Arakawa thì sẽ có đến 97 trạm tàu điện ngầm bị ngập hoàn toàn trong nước. Có thể thấy, chính phủ Nhật Bản đã cực kì lo xa và có phương án giải quyết cho bài toán lớn của đất nước. Tuy nhiên tình huống worst case như trên thì rất hiếm gặp nên hiện tại, G-cans vẫn chỉ tồn tại như một “con rồng hút nước ngủ quên” trong lòng đất, chờ ngày được phát huy chức năng của mình.
#2 Singapore và Hồ chứa - đập Marina Barrage
Singapore là một quốc gia thiếu thốn nhiều thứ, ngay cả nước sinh hoạt quốc đảo này cũng phải dựa vào nguồn nước từ 3 hồ chứa và chủ yếu nhập khẩu từ nước láng giềng Malaysia. Tuy nhiên, Singapore đã tự chủ động khắc phục sự thiếu thốn tự nhiên của mình bằng cách xây dựng hệ thống thu thập nước mưa qua mạng lưới đường ống dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa, đồng thời thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60m dưới mặt đất.
Hệ thống kênh đào với hơn 40 con kênh và rãnh thoát nước có chiều dài tổng cộng 1.000 km cùng với mạng lưới cống dài 8.000 km đã giúp Singapore xử lý được tình trạng ngập lụt do triều cường và trời mưa lớn trong những năm qua.
Singapore đã xây nhiều hồ trữ nước để vừa có thể chống lụt, chống nước dâng, vừa có nguồn nước ngọt cho người dân. Công trình tiêu biểu là hồ chứa và đập Marina Barrage dài 350 m với chi phí 135 triệu USD.
Nếu mưa lớn khi thủy triều xuống, các cổng đập sẽ được hạ xuống để giải phóng lượng nước dư thừa từ hồ chứa ra biển. Nếu mưa lớn xảy ra khi thủy triều lên, các cổng sẽ được đóng lại, máy bơm thoát nước khổng lồ được kích hoạt để rút nước từ hồ chứa ra biển.
Không chỉ là một con đập thông thường với chức năng hỗ trợ thoát nước, Marina Barrage còn là không gian giải trí lý tưởng mà Singapore tự hào giới thiệu cho du khách.
#3 Vương quốc Anh và hệ thống chắn nước Thames Barrier
Thành phố London là một khu vực dễ bị ngập lụt.
Sau một trận lụt nghiêm trọng năm 1953 khi nước biển Bắc tràn vào sông Thames khiến 300 người chết và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, Chính phủ Anh quyết định xây dựng hệ thống chắn nước sông Thames - Thames Barrier để bảo vệ trung tâm London rộng 125km2 khỏi ngập lụt. Công trình hoàn thành vào năm 1984 và tốn 535 triệu bảng Anh.
Thames Barrier gồm những chiếc cổng thép nặng 3 nghìn tấn, cao 20 m có thể xoay được. Khi thủy triều lên, cổng thép sẽ bị đóng để ngăn dòng nước chảy về London. Còn khi thủy triều xuống, cổng được mở để khôi phục dòng chảy của sông về phía biển. Mất 90 phút để hệ thống cổng này đóng hoàn toàn.
Được xây dựng với mục đích ban đầu để chống lại nước biển dâng, hệ thống chắn nước Thames Barrier ngày nay lại có thêm chức năng điều tiết lưu lượng nước dòng sông Thames mỗi khi mưa lớn để London không bị ngập.
Nhìn chung, các quốc gia phát triển đều có những sự đầu tư với tầm nhìn dài hạn để đối phó với tình trạng thiên tai, lũ lụt có thể xảy ra. Đây cũng là những giải pháp rất hay mà Việt Nam có thể tìm hiểu và localize.
Kết lại
Với vai trò hết sức quan trọng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Việt Nam, hệ thống thoát nước là một trong những bài toán thiết yếu của đô thị nhưng cũng nan giải hết sức của Thủ đô.
Để cải thiện tình hình ngập úng cần có sự phối hợp chặt chẽ về quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị, đồng thời tham khảo các kinh nghiệm chống ngập úng ở các thành phố lớn, cần có những ứng dụng công nghệ trong việc dự báo và tính toán công suất về lâu dài cho các hệ thống mới.
Việc hiểu rõ hơn về hệ thống ngập nước của thành phố cũng giúp mình hình dung được những nguyên nhân và thử thách mà Thủ đô đang có trong hành trình chuyển mình, phát triển.
Hy vọng bài viết giúp bạn có thêm một chút thông tin hữu ích về Hà Nội nhé!
Link tham khảo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFu_d%E1%BB%9Di_%C4%91%C3%B4
https://dantri.com.vn/xa-hoi/hinh-anh-10-dong-song-chay-qua-ha-noi-20240327014810527.htm
https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/song-to-ke-chuyen-ngay-xua-ngay-xua.html
https://tienphong.vn/sieu-tram-bom-tieu-ung-yen-nghia-hoat-dong-ra-sao-post1658218.tpo
https://vnexpress.net/5-ly-do-khien-ha-noi-ngap-khi-mua-lon-4470021.html
https://www.visitsingapore.com/vi_vn/see-do-singapore/architecture/modern/marina-barrage/
https://moitruong.net.vn/bien-phap-chong-ngap-noi-do-hieu-qua-nhat-tren-the-gioi-19555.html
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay 2 của Writing On The Net Alumni. #wotn #vietdeuvahay
Wow bài viết này thật nhiều thông tin bổ ích mà mình quan tâm. Cảm ơn tác giả
kudos! bài viết rất công phu chứng tỏ tác giả đã tốn không ít thời gian research! Keep it going!