Bức tranh bốn mùa của chu kì kinh tế
Nếu thiên nhiên có mùa xuân tươi tốt và mùa đông giá lạnh, thì nền kinh tế cũng có những giai đoạn "xuân" tràn đầy sức sống và những giai đoạn "đông" đầy thách thức.
Sau khi bài viết về Bức tranh nền kinh tế Việt Nam năm 2025 nhận được nhiều sự yêu mến và ủng hộ từ bạn đọc, mình quyết định sẽ cố gắng viết về chủ đề Kinh tế thường thức đều đặn hơn.
Và trong bài viết tuần này, mình sẽ giới thiệu với các bạn về Chu kì kinh tế. Giống như các mùa trong năm, nền kinh tế cũng trải qua những chu kỳ thay đổi. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những "mùa" của nền kinh tế và cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
I/ Định nghĩa Chu kì kinh tế
Chu kì kinh tế (hay Economic Cycle - CCKT) là sự biến động có tính chất lặp lại theo chu kì của nền kinh tế của một quốc gia, trải qua các giai đoạn tăng trưởng tới suy thoái.
Những yếu tố được dùng để xác định nền kinh tế đang nằm ở giai đoạn nào là Tổng sản phẩm quốc nội GDP (Gross domestic product), lãi suất (Interest rate), tỷ lệ thất nghiệp (Unemployment rate), lạm phát (Inflation) và chỉ số tiêu dùng bán lẻ CPI (Consumer Price Index).
Một chu kì kinh tế bao gồm 4 giai đoạn: Tăng trưởng, đỉnh, suy thoái và đáy. Với 2 thái cực đối lập, mùa cực thịnh giống như mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc - Đỉnh tăng trưởng và mùa cực suy, sương đông giá lạnh - Đáy suy thoái.
Quá trình này sẽ diễn ra liên tiếp nhưng với độ dài ngắn khác nhau, có thể từ 1-2 năm tới 10-12 năm.
II/ Tại sao lại có Chu kì kinh tế?
Tuy đã nghe tới Chu kì kinh tế nhiều lần nhưng phải đến khi nghe giải thích từ thầy Quách Mạnh Hào (Giáo sư Kinh tế, Đại học Lincoln, Anh) thì mình mới: À, thì ra là vậy. Bạn có thể xem bài giảng của thầy ở đây nha.
Nếu nghĩ sâu một chút thì người đứng sau và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế của một quốc gia chính là Chính phủ (CP) của quốc gia đó. Và động cơ đằng sau mọi quyết định của Chính phủ là để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế ổn định, thể hiện qua 3 tiêu chí:
GDP: Chỉ số của sự tăng trưởng, quốc gia đó có sản xuất được nhiều hàng hóa không?
Employment rate: Việc làm của người dân: Tỷ lệ người dân có việc cao không?
Lạm phát: Giá cả hàng hóa có ổn định không?
Điều quan trọng là không thể đạt cùng lúc 3 tiêu chí nên các chính sách sẽ liên tục được điều chỉnh để nền kinh tế được tăng trưởng ổn định.
Tại sao không thể cùng lúc 3 tiêu chí đều tốt?
Bởi vì 2 yếu tố lạm phát và thất nghiệp sẽ có mối quan hệ tỉ lệ nghịch trong ngắn hạn. Hiểu nôm na là khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều lao động hơn để đáp ứng nhu cầu. Việc làm dồi dào khiến người lao động có vị thế mạnh hơn trong đàm phán lương, đẩy giá cả hàng hóa dịch vụ lên cao và gây ra lạm phát. Bạn có thể đọc thêm về Đường cong Phillips để tìm hiểu rõ hơn chủ đề này nhé.
Vì vậy, với Chính phủ, chính sách tốt là tạo ra sự tăng trưởng ổn định chứ không phải tăng trưởng vượt bậc.
3 chính sách ảnh hưởng chủ yếu tới TTCK là những công cụ mà CP sử dụng để điều tiết nền kinh tế quốc gia là Chính sách tiền tệ, Chính sách tài khóa, và Chính sách tỷ giá.
Chính sách tiền tệ: tập hợp các biện pháp và quyết định được thực hiện bởi ngân hàng trung ương (NHTW) nhằm điều chỉnh nguồn cung tiền tệ và lãi suất trong nền kinh tế.
Đơn giản là mặt bằng lãi suất đi kèm rủi ro. Lãi suất thấp hay cao không đơn thuần chỉ là con số % mà còn phản ánh sự tương quan với mức độ rủi ro.
Các nước đã phát triển thì nền lãi suất thấp vì rủi ro thấp và ngược lại. Một ví dụ cụ thể là nước Nhật đã duy trì lãi suất âm (-0.1%) từ năm 2007 để đối phó với tình trạng giảm phát, và năm nay họ mới điều chỉnh tăng lãi suất sau 17 năm.
Ngân hàng Trung Ương với vai trò là định chế tài chính quan trọng nhất của một quốc gia, họ có 2 levers chính trong tay: Là lượng tiền họ in ra và lượng tiền đẩy ra lưu thông:
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Thể hiện phần trăm số tiền gửi mà các ngân hàng thương mại phải giữ lại tại ngân hàng trung ương. Số tiền này không được dùng để cho vay mà phải giữ lại để đảm bảo khả năng thanh toán của ngân hàng khi khách hàng rút tiền.
Lãi suất: Giảm lãi suất: Khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay vốn để tiêu dùng và đầu tư, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tăng lãi suất: Hạn chế việc vay vốn, giảm lạm phát.
Ngân hàng TW in ra tiền và các Ngân hàng Thương mại muốn có tiền cho người dân vay sẽ cần vay của NHTW. Hiểu nôm na là bạn đi vay của NHTM muốn có lãi suất thấp (tiền vay rẻ) thì Lãi suất chính sách aka Lãi suất điều hành mà ông NHTM vay từ NHTW cũng phải thấp. Vì vậy Lãi suất Chính sách có thể nói là công cụ quyền lực của NHTW để tác động lên cung cầu tiền tệ của thị trường.
Chính sách tài khóa (Fiscal policy):
Có một câu chuyện vui về tài khóa là từ fiscal có nguồn gốc tiếng Latin là Fiscus, tức là cái hòm, cái rương. Có thể hiểu là chính phủ thu tiền vào rương và chi tiêu số tiền đó 😅Khi nền kinh tế khó khăn, Chính phủ có thể giảm thuế (như ở Việt Nam hồi Covid) để giảm áp lực cho doanh nghiệp (tức giảm ngân sách thu công) đồng thời có gói hỗ trợ phục hồi sau đại dịch để thúc đẩy đầu tư công, tạo thêm nhiều việc làm trên thị trường.
Chính sách tỷ giá:
Chính sách tỷ giá là những hoạt động của chính phủ (mà đại diện thường là Ngân hàng trung ương) thông qua một chế độ tỉ giá nhất định và hệ thống các công cụ can thiệp nhằm duy trì một mức tỉ giá cố định hay tác động để tỉ giá biến động đến một mức cần thiết phù hợp với mục tiêu chính sách kinh tế quốc gia.
III/ Bức tranh 4 mùa của Chu kì Kinh tế
Sau khi đã hiểu các yếu tố xuất hiện trong bức tranh, sự tương tác qua lại của chúng, các công cụ chính phủ có trong tay để thực hiện mục tiêu cao cả là Tăng trưởng kinh tế ổn định, giờ chúng ta sẽ đi vào kĩ từng giai đoạn trong chu kì kinh tế nhé.
Bạn hãy nhìn vào đồ thị ở đây nha:
Điểm xuất phát là từ một nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức ổn định.
Khi nền kinh tế bắt đầu vào Giai đoạn Suy thoái: các biểu hiện của sự giảm tăng trưởng là lượng hàng hóa và dịch vụ giảm dần, sản xuất bị cắt giảm, thất nghiệp cao, mức lạm phát thấp.
Sau khi Chính phủ nhận định nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái, họ sẽ dùng Chính sách tiền tệ.
Ngay khi nền kinh tế giảm tốc, chưa hit đáy thì CP đã giảm Lãi suất điều hành, mục tiêu là để khuyến khích người dân, doanh nghiệp vay tiền đầu tư vào sản xuất để xốc lại nền kinh tế hoặc là điều chỉnh chính sách giảm thuế.
Tuy nhiên tác động của các chính sách lên nền kinh tế sẽ có độ trễ nhất định. CP sẽ tiếp tục quan sát phản ứng của thị trường, của nền kinh tế để quyết định các chính sách tiếp theo.
Nếu kinh tế có dấu hiệu hồi phục thì CP sẽ tiếp tục giữ mức Lãi suất ổn định đó, tuy nhiên khi đến một thời điểm thấy dấu hiệu của lạm phát thì CP sẽ thắt chặt cung tiền, bằng cách nâng cao lãi suất, kìm lại lạm phát đang trên đà cao.
Khi nền kinh tế bước vào Giai đoạn Tăng trưởng, sản xuất được đẩy mạnh, mức tăng trưởng ở mức cao, cung và cầu phát triển mạnh mẽ, thị trường lao động có thất nghiệp ở mức thấp, tuy nhiên những điều tích cực này sẽ gây áp lực làm lạm phát tăng.
Tuy nhiên khi thị trường quá nóng, khi cầu vượt qua cung trong thị trường bất động sản hoặc trong thị trường hàng hóa, CP cũng sẽ can thiệp để ngăn cản sự tăng trưởng nóng mà không bền vững này tránh bong bóng bị vỡ, vì mục tiêu dài hạn vẫn là sự tăng trưởng ổn định, ví dụ như tăng lãi suất để tiền không được vay ở giá rẻ nữa, thể hiện rủi ro cao.
Dù nghe hơi vĩ mô nhưng mình tin là Chu kì kinh tế là một kiến thức thường thức mà mỗi người đều nên biết bởi lẽ nó sẽ trực tiếp đến cuộc sống của bạn (lãi suất cho khoản gửi tiết kiệm ngân hàng, cơ hội nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, chi phí trang trải cuộc sống hằng ngày, chiến lược đầu tư tài sản,...).
Hy vọng bài viết này giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về tính chu kì của nền kinh tế nha! Cheers 🥂
Thông tin trong bài viết được tham khảo từ Youtube Video bài giảng của thầy Quách Mạnh Hào.